3 nhà khoa học vinh dự nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 là ai?
Giải thưởng Tạ Quang Bửu (do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia làm Cơ quan thường trực) được Bộ KH&CN tổ chức hàng năm, là sự ghi nhận và tôn vinh đối với các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu xuất sắc được công bố trên các Tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 được trao tặng cho 3 nhà khoa học (Giải chính) thuộc các ngành Cơ học, Y sinh dược học và Vật lý. Đây cũng là năm đầu tiên, một nhà khoa học nữ và các nhà khoa học trong các ngành Y sinh Dược học và Cơ học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Nhà khoa học đoạt giải thưởng sẽ được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ KH&CN và tiền thưởng 200 triệu đồng (đối với Giải thưởng chính) hoặc 50 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (trái) và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (phải) trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 cho 3 nhà khoa học. |
Giải thưởng năm nay được trao cho PGS-TSKH Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngành Cơ học); PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (ngành Y sinh dược học) và TS Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngành Vật lý).
PGS-TSKH Phạm Đức Chính sinh năm 1958 tại Nam Định. Ông làm việc tại Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm: cơ học vi mô và đồng nhất hóa; thích nghi và hỏng dẻo các kết cấu. PGS-TSKH Phạm Đức Chính đã công bố hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí ISI.
PGS-TSKH. Phạm Đức Chính (giữa). |
Công trình khoa học của ông là "Lý thuyết dẻo tái bền động học giới hạn" đã được xây dựng hoàn chỉnh, với 4 giả thiết xuất phát cơ bản: Giả thiết hao tán dẻo tối đa; Giả thiết tái bền ổn định mạnh; Giả thiết hysteresis dương và Giả thiết Bauschinger đa chiều.
TS Lê Trọng Lư sinh năm 1972 tại Thanh Hóa, là Phó Viện trưởng Viện kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên triển khai nghiên cứu trong lĩnh vực tổng hợp các vật liệu nano cho ứng dụng y sinh, đã công bố trên 20 bài báo khoa học trên các tạp chí ISI có chỉ số IF cao.
TS. Lê Trọng Lư (giữa). |
Công trình nghiên cứu của ông đã làm sáng tỏ cơ chế hình thành và phát triển của các hạt nano - một khám phá quan trọng cho phép điều khiển chất lượng và các thông số hạt như mong muốn thông qua việc thay đổi điều kiện tổng hợp.
Công trình cũng lần đầu tiên sử dụng một loại hóa chất mới với chi phí chỉ bằng 1/20 hóa chất thường được các nhóm nghiên cứu trên thế giới sử dụng, do đó cho phép giảm giá thành sản phẩm gần 80%. Công trình được công bố trên tạp chí Nanoscale - tạp chí có uy tín cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nano với chỉ số ảnh hưởng IF =7.76 (năm 2015).
PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã công bố 38 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và 31 bài báo trên tạp chí quốc gia. Một số bài báo được đăng trên các tạp chí ISI uy tín như Nature (IF 31,43), Emerging Infectious Disease Journal (IF 6,75). Theranostics (IF 8,712 –SCI), The Journal of Infectious Diseases (IF 6,273), PlosONE…
PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu. |
Công trình khoa học của bà đã xác định được những điểm mấu chốt của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010: sự tiến hóa nhanh của virus, cung cấp một danh sách các đột biến được xác định trong tương tác giữa người - động vật trong virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1, có giá trị trong giám sát phân tử virus cho các nghiên cứu trong tương lai tại Việt Nam và trên thế giới; mối tương quan về không gian và thời gian giữa sự xuất hiện của virus cúm HPAI H5N1 ở gia cầm và sự lây truyền của nó sang người.
Kết quả đã khẳng định giả thuyết các trường hợp người nhiễm virus H5N1 tại Việt Nam là kết quả của việc lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người. Sự thay đổi di truyền do trao đổi tích hợp tự nhiên trong quần thể virus HPAI H5N1 để thích ứng với người chưa có bằng chứng; tuy nhiên giám sát virus học, phân tích sự tiến hóa của virus cúm gia cầm vẫn là việc làm bắt buộc của mục tiêu “ Một sức khỏe”. Kết quả giám sát thu được giúp phát triển các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa có hiệu quả dịch cúm gia cầm, để đảm bảo sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm nay Bộ KH&CN cũng trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN cho những nhà báo có đóng góp cho sự phát triển KH&CN của đất nước bằng chính các tác phẩm của mình. Giải thưởng năm nay được Hội đồng Chung tuyển giải thưởng đề xuất trao tặng 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích cho các nhà báo và tập thể.