3 loài mãng xà khổng lồ ở Việt Nam
Tìm hiểu những loài mãng xà khổng lồ ở Việt Nam
Trong số hơn 300 loài rắn được phát hiện và công bố ở Việt Nam, mỗi loài đều có những đặc tính sinh thái và sắc màu khác nhau nhằm phù hợp với điều kiện và môi trường sống. Kích thước khác nhau giúp các loài tồn tại trong môi trường hoang dã và là vũ khí lợi hại giúp chúng lẩn tránh kẻ thù cũng như tìm kiếm thức ăn.
Trải qua hàng nhiều triệu năm sinh tồn, kích thước của các loài rắn phát triển thành những kẻ khổng lồ để phù hợp với môi trường sống tự nhiên. Khi có sức mạnh, việc tấn công kẻ khác trở nên dễ dàng hơn. Đây là một phần tất yếu trong đời sống hoang dã ở bất cứ đâu trên trái đất này và đã tạo nên một bức tranh sinh động trong thiên nhiên.
1. Trăn đất Python molurus
Trăn đất Python molurus có đầu dài, nhỏ, màu nâu xám. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung). |
Đây thực sự là loài giành giải quán quân về kích thước, cân nặng trong các loài rắn tìm thấy ở Việt Nam. Một số cá thể phát hiện ở Vườn quốc gia U Minh đạt đến độ dài khoảng 8 m (kích thước trung bình khoảng từ 4 m đến 6 m) và nặng hơn 120 kg. Trăn đất Python molurus có đầu dài, nhỏ, màu nâu xám. Mặt trên đầu có hoa văn hình mũi mác di từ cổ, mũi nhọn hướng về phía đầu mõm. Hai tấm vảy môi trên có trên mỗi tấm vảy một lỗ (lỗ môi là cơ quan cảm giác nhiệt). Mặt trên lưng màu xám nhạt hay vàng nhạt có một dãy những vết lớn dài, màu nâu đỏ viền đen. Mặt bụng màu vàng hay nâu vàng có những đốm nâu hay đen.
Chúng ưa sống ở những nơi đầm lầy, rừng tràm, rừng sú vẹt ngập nước ở đồng bằng Nam bộ. Đôi khi chúng còn xâm nhập cả vào những khu vực có vườn cây ở miền Bắc về mùa đông, trăn đất trú đông từ 2 đến 4 cá thể trong những hang hốc tự nhiên để tránh rét.
Chúng chủ yếu đi kiếm mồi vào ban đêm, nhiều nhất vào lúc xẩm tối. Chúng ưa ngâm mình dưới nước trong những ngày nóng bức. Trăn đất ăn những loài thú nhỏ (chủ yếu gặm nhấm, đôi khi cả hươu nai cỡ nhỏ, chim và những loài ếch nhái, bò sát). Chúng sinh sản hàng năm và được xếp vào danh lục nhóm động vật nghiêm cấm khai thác và sử dụng.
2. Trăn cộc Python brongersmai
Chiều dài cơ thể của trăn cộc Python brongersmai đạt tới 2 m. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung). |
Trăn cộc là một loài rắn cỡ lớn. Trong số ba loài trăn thuộc giống Python phân bố ở Việt Nam thì trăn cộc Python brongersmai là loài có kích thước nhỏ nhất và cũng là loài hiếm nhất.
Trăn cộc có vùng phân bố hẹp ở miền Nam Việt Nam và khá rộng ở một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Indonesia. Loài trăn này không chỉ ngắn, mập mà còn có nhiều màu sắc phong phú trên từng cá thể như đen, đỏ thẫm, vàng ngọc và trắng với hoa văn rất lạ, đẹp.
Theo các tài liệu ghi lại, năm 1970 nhà động vật học Campden phát hiện trăn cộc Python brongersmai được buôn bán ở Sài Gòn. Đến năm 1977, loài này được nuôi ở Bình Thuận, TP HCM và Cà Mau. Mới đây, năm 2005 nhà nghiên cứu bò sát Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, cùng các đồng sự cũng ghi nhận Python brongersmai được buôn bán và nuôi ở một số trại nuôi tại TP HCM. Tuy nhiên, những dữ liệu rời rạc trên chưa thế khẳng định chắc chắn loài trăn cộc thực sự là loài có vùng phân bố chính xác ở nước ta vì không ai nhìn thấy và thu mẫu ở rừng Việt Nam.
Loài trăn này có đầu nhỏ, hình tam giác. Ở mỗi bên mép trên của trăn có hai hõm vảy nằm ở hai vảy mép sát đầu mõm. Có hai gai nhỏ (hình cựa) ở hai bên lỗ hậu môn. Trăn cộc có đầu màu vàng nhạt, có một vệt xám đen chạy từ mõm bao hết phần má, môi trên và dưới kéo dài ra tới cổ. Lưng xám, chính giữa lưng có hàng chấm sáng lớn, càng về cuối thân các vết đốm này kéo dài ra và nối lại với nhau ở sườn. Chiều dài cơ thể của Python brongersmai đạt tới 2 m.
3. Trăn gấm Python reticulatus
Trăn gấm Python reticulatus có thể leo cây và thích cuốn mình vào những cành cây chìa ra trên mặt nước. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung). |
Những hoa văn độc đáo và đẹp mắt như hình mắt của chiếc võng khiến loài trăn gấm Python reticulatus rất khó phát hiện khi cuộn mình trên lớp thảm mục thực vật, quanh gốc cây lớn trong rừng thưa, cây bụi hay ven các rừng già. Sức mạnh về cơ bắp giúp trăn gấm tạo ra một cú đớp "nhanh như điện" với hàm răng sắc nhọn khiến con mồi khó có cơ hội thoát. Khi con mồi bị giữ chặt bằng chiếc hàm sắc khoẻ, trăn gấm dùng cơ thể khổng lồ của mình siết chặt nó cho đến khi tắt thở. Sau đó, trăn sẽ buông lỏng con mồi và bắt đầu thưởng ngoạn bữa ăn ngon lành của mình.
Khả năng săn mồi độc đáo hơn của loài này là nó có thể leo cây và thích cuốn mình vào những cành cây chìa ra trên mặt nước. Sau đó, nó sẽ ung dung nằm chờ con mồi ngang qua để tấn công.
Trăn gấm Python reticulatus là loài mãng xà cỡ lớn trong các loài rắn, có thể dài từ 6 m đến 7 m. Đầu trăn gấm nhỏ dài, phân biệt rõ với cổ. Bốn tấm vảy môi trên đầu tiên, mỗi tấm có một lỗ cảm giác (lỗ môi). Lỗ môi cũng có ở các tấm vảy môi dưới thứ hai, thứ ba và từ thứ 12 cho đến thứ 17 hay 18. Ở chính giữa đầu có một đường màu đen mảnh đi từ miệng tới gáy và có thêm một đường màu đen mảnh đi từ sau mắt xiên xuống góc môi. Mặt lưng trăn gấm màu vàng be hay vàng nâu với những vân xám đen nối với nhau làm thành những mắt lưới. Mặt bụng và dưới đuôi của trăn có màu trắng hoặc vàng nhạt với những chấm nhỏ màu nâu xám hay đen. Cá thể cái trưởng thành thường lớn hơn cá thể đực trường thành.
Trăn gấm sống ở rừng thưa, nơi có đồi núi thấp hoặc savan cây bụi, đặc biệt gần môi trường nước. Trăn gấm bơi giỏi, hoạt động về đêm và có tập tính tương tự như trăn đất. Chúng có thể đẻ tới 100 trứng một lứa. Trăn mẹ có tập tính cuốn lấy trứng. Trứng nở sau khoảng hai tháng rưỡi đến ba tháng. Con non mới nở dài khoảng từ 60 cm đến 75 cm. Trong điều kiện nuôi, chúng thích đầm mình cả ngày trong nước và ăn nhiều loại mồi. Thức ăn của trăn gấm gồm những loài động vật đẳng nhiệt.