20 năm quan hệ Việt – Mỹ: Giáo dục là lĩnh vực trọng tâm
20 năm qua đã chứng kiến những bước tiến dài trong quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ mà ở thời điểm hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ ít ai có thể hình dung được. Để đánh dấu cột mốc quan trọng này, vào tháng 7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm hết sức thành công đến Hoa Kỳ. Hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ song phương sâu sắc, bền vững và thực chất trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền của nhau và vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Hiện nay, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt hợp tác về thương mại, đầu tư và giáo dục đang đứng trước các cơ hội to lớn với việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP và thành lập Đại học Fulbright Việt Nam tại TP.HCM trong tương lai gần.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định, TP.HCM tự hào đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên cho quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ bằng việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) vào tháng 3/1994; thành lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright vào tháng 10/1994 và thiết lập quan hệ hữu nghị TP.HCM – San Francisco vào tháng 4/1995.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, mục tiêu trong tương lai là đưa Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam và giáo dục trở thành lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước. Năm 2015, với gần 19.000 du học sinh, Việt Nam trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh đang theo học tại Hoa Kỳ là bằng chứng sinh động cho vấn đề này.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ, ông đã tham gia nhiều vào quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước, trong đó có chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Đó là sự san sẻ giữa hai dân tộc. Quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ rất đặc biệt, để phát triển hơn, hai nước cần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cần xây dựng lòng tin chiến lược, lâu dài để phát triển về mọi mặt, trên mọi lĩnh vực. Cơ hội đang mở ra rất nhiều nhưng cũng rất nhiều thách thức, đặc biệt đối với Việt Nam.
Tiến sĩ Evan S.Medeiros, Tổng Giám đốc Eurasia Group, nguyên cố vấn hàng đầu về châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, giao thương trong khu vực ASEAN đã phát triển nhưng chưa rõ ràng. TPP là thời điểm để các quốc gia thay đổi cơ cấu kinh tế, trong đó có quan hệ đầu tư thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.
Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Hoa Kỳ cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ (có thể diễn ra vào tháng 5/2016), Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tương tác với các bạn trẻ tại TP.HCM khi khánh thành ĐH Fulbright Việt Nam, thảo luận bàn tròn với các doanh nghiệp về TPP. Đó sẽ là những bước ngoặt quan trong trong mối quan hệ hai nước trong năm 2016.