17 luật, nghị quyết sẽ được Quốc hội thông qua trong tuần này
Quốc hội sẽ thông qua 17 luật, nghị quyết trong tuần này. |
Sau một số nội dung nóng như thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh…sang tuần làm việc cuối cùng này, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận một số luật và thông qua các dự thảo luật, nghị quyết quan trọng.
Trải qua một số kỳ thảo luận, cho ý kiến, trong tuần này, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua hai dự thảo luật do Bộ Xây dựng chủ trì là Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật nhà ở sửa đổi. Bên cạnh đó Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước…cũng sẽ được thông qua ngay sau đó.
Về các nghị quyết, trong tuần làm việc này Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Đây được xem là một vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Đặc biệt, tại buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội cũng dành phần lớn thời gian biểu quyết thông qua một số nghị quyết quan trọng, đặc biệt trong đó có Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Nội dung của Nghị quyết này hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về thời gian lấy phiếu cũng như các mức tín nhiệm quy định trên lá phiếu. Trao đổi với Infonet trước đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tùy theo tình hình thực tế đóng góp ý kiến của đại biểu, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét có nên lấy phiếu thăm dò, và đưa ra các mức độ khác nhau để ĐBQH lựa chọn hay không. Đây có lẽ là một trong những Nghị quyết quan trọng nhất được thông qua tại kỳ họp này.
Ngoài ra Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, và dự kiến Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn cũng sẽ được biểu quyết thông qua sau đó.
Thông thường, việc thông qua các dự án Luật, Nghị quyết được xem là lĩnh vực trọng tâm, do vậy sự tham gia, thể hiện quan điểm và tiếng nói của mỗi đại biểu là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên vào tuần trước, khi thông qua một số luật, số đại biểu vắng họp không phải ít, tối đa có phiên số đại biểu vắng tới 25%. Các cơ quan báo chí đã không ít lần lên tiếng phản ánh về thực trạng này.
Với một số lượng rất lớn các dự thảo luật, nghị quyết được biểu quyết thông qua vào tuần làm việc này, sự có mặt đông đủ của các ĐBQH là điều rất cần thiết trong một kỳ họp.