15% smartphone trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam
Các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất điện thoại tại Việt Nam để tận dụng những ưu đãi trong chính sách thu hút FDI. |
Bên lề Hội thảo quốc tế 4G LTE 2016 với chủ đề “Phát tiển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật” do IDG Việt Nam và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 18/08/2016, ông Mantosh Malhotra, TGĐ Qualcomm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, 15% sản lượng điện thoại trên toàn cầu đang được sản xuất tại Việt Nam, nhưng đáng tiếc là những sản phẩm đó mặc dù “made in Viet Nam” nhưng lại mang thương hiệu của nước ngoài do các doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam để tận dụng những ưu đãi về thuế hoặc về những chính sách khác của Chính phủ Việt Nam, chứ không phải là những thương hiệu do các nhà sản xuất Việt Nam sản xuất ra.
Ông Mantosh Malhotra bày tỏ mong muốn tìm kiếm các nhà sản xuất của Việt Nam, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất điện thoại của người Việt, cho người Việt, đồng thời xuất khẩu điện thoại ra thế giới những chiếc điện thoại made in Viet Nam bởi chính doanh nghiệp Việt Nam.
“Bên cạnh cung cấp cho thị trường trong nước, chúng tôi mong muốn những nhà sản xuất có thể thiết kế và sản xuất điện thoại để xuất khẩu ra nước ngoài. Thị trường Việt Nam cũng không hẳn là lớn, nên nếu chỉ sản xuất phục vụ thị trường trong nước sẽ không đủ hấp dẫn các nhà sản xuất trong việc đầu tư vào sản xuất,” ông Mantosh Malhotra cho biết.
Tuy nhiên, ông Mantosh Malhotra cho rằng để làm được việc này, các cơ quan Chính phủ cần đưa ra chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Với các nhà sản xuất điện thoại của Việt Nam, Qualcomm có thể hỗ trợ thông qua hình thức chuyển giao chính thức cho các nhà sản xuất trong nước, đồng thời chia sẻ, đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thiết kế điện thoại, một lĩnh vực đòi hỏi kiến thức và chuyên môn cao.
“Thực ra không hẳn là chúng tôi sẽ đưa ra cơ sở thiết kế của chính Qualcomm tại Việt Nam, mục tiêu dài hạn là chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan Chính phủ, các trường Đại học để xây dựng các Trung tâm nghiên cứu vì mục tiêu lâu dài là giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự đứng trên đôi chân của mình”.
Ông Thiều Phương Nam – TGĐ Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia – chia sẻ, phía Qualcomm đang làm việc với một số doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ họ trong việc sản xuất điện thoại phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
“Tuy nhiên, hiện giờ chúng tôi chưa thể tiết lộ cụ thể vì đang trong giai đoạn bàn bạc và phát triển sản phẩm. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin nhiều hơn khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức ra mắt sản phẩm,” ông Nam cho biết.
Hiện nay Việt Nam đã là một trong những trung tâm thiết kế và sản xuất các thiết bị di động lớn của thế giới. Với 15% smartphone được sản xuất tại Việt Nam, xu hướng đó tạo ra sự thuận lợi cho các công ty tham gia vào hệ thống sản xuất và cung ứng thiết bị di động trên thế giới.
Khi các công ty lớn của thế giới chuyển những cơ sở sản xuất về Việt Nam, các nhà cung cấp cũng sẽ vào Việt Nam, đó là điều khá thuận lợi cho Việt Nam, khi có các công ty lớn, chính sách hỗ trợ xuất khẩu cũng sẽ sẵn sàng. Đội ngũ nhân lực trong ngành thiết kế phần cứng và phần mềm của Việt Nam cũng được đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Thiều Phương Nam cho biết, nói như vậy không có nghĩa là không có những khó khăn thách thức, có rất nhiều kỹ năng cần thiết mà Việt Nam chưa đáp ứng được và còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Đó là lý do Qualcomm xem xét việc chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp, kể cả chương trình dài hơi hơn là hợp tác với các trường Đại học trong việc đào tạo ra những kỹ sư thiết kế phần cứng và phần mềm thiết bị di động.