1,3 triệu chủ xe thế chấp "phạm luật": "Vỡ" tín dụng cho vay mua ô tô?
Xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc: Ngân hàng nhà nước vào cuộc!
Trước những tranh cãi về việc CSGT có quyền xử phạt người điều khiển xe ô tô không có giấy tờ gốc, trong khi những giấy tờ này được chủ xe đặt ở ngân hàng khi mua trả góp/thế chấp xe ô tô, Luật sư Trương Thanh Đức – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng có thể nói cơ quan công an cũng đúng, người dân (khách hàng của ngân hàng) cũng đúng và ngân hàng cũng đúng.
Tuy nhiên, cơ quan công an làm đúng theo pháp luật, còn phía ngân hàng và người dân đang làm đúng theo thực tế và theo hợp đồng thỏa thuận. Nhưng cuối cùng, hậu quả của sự bất nhất này là thiệt hại lớn đến việc cho vay của ngân hàng cũng như việc tuân thủ pháp luật của người dân.
Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển xe ô tô phải mang theo bản gốc đăng ký xe, nhưng trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2011 theo Nghị định 63 của Chính phủ cho phép ngân hàng giữ bản chính, còn khách hàng – người lưu thông xe được giữ bản sao. Sau đó, Nghị định 11 năm 2012 của Chính phủ đã không cho phép tiếp tục dùng bản sao đăng ký xe vì như thế là trái với Luật.
“Như vậy, theo đúng quy định của Luật, 5 năm nay ngân hàng đã không được phép giữ giấy tờ gốc đăng ký xe, CSGT có quyền xử phạt những trường hợp vi phạm. Nhưng đáng tiếc việc tuân thủ pháp luật rất chậm trễ, đến bây giờ cơ quan chức năng mới nhắc nhở và mới rộ lên việc xử phạt”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Cũng theo ông Đức, mâu thuẫn ở đây là, Luật quy định như vậy là đúng, nhưng cơ chế thế chấp xe bằng đăng ký giấy tờ đầy đủ, người chủ xe không thể chuyển nhượng xe cho người khác. Tuy nhiên, thực tế lại vô cùng rủi ro khi có đến hàng nghìn trường hợp chủ xe vẫn cứ bán, chuyển nhượng phương tiện cho dù không có giấy tờ gốc.
“Những giao dịch bất hợp pháp này khiến ngân hàng phải theo đuổi rất mệt mỏi. Bản thân tôi cũng từng xử lý những vụ việc như thế. Cho nên không ngân hàng nào dám thực hiện đúng theo quy định của Luật là giao giấy tờ gốc cho khách hàng. Chỉ có khác là trước đây đương nhiên được quyền giữ, còn gần đây các ngân hàng lách luật bằng cách có những thỏa thuận riêng bằng xác nhận khách hàng tự nguyện giao nộp giấy tờ cho ngân hàng”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật BASICO. |
Luật sư Trương Thanh Đức cảnh báo hậu quả của những tranh cãi hiện nay là ngân hàng có nguy cơ dừng cho vay mua ô tô. Trước mắt, trong bối cảnh 1,3 triệu xe ô tô đang được thế chấp ở ngân hàng đang “vi phạm pháp luật” như vậy, nếu như xử phạt sẽ gây bất lợi cho hoạt động tín dụng, hoạt động vận tải, và hoạt động kinh tế xã hội nói chung.
“Quan điểm của tôi là tạm thời nên dừng việc xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo giấy tờ gốc. Nhưng về lâu dài, phải tính đến việc sửa luật theo hai hướng: cho phép ngân hàng giữ bản chính; hoặc có thể tách ra hai loại giấy là Giấy đăng ký sở hữu do ngân hàng giữ, và Giấy lưu hành do khách hàng giữ.
Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực - Phó Tổng Giám đốc, Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - cần phải có phương án thống nhất về việc này. Theo kinh nghiệm quốc tế, bên cho vay (ngân hàng) nên được phép nắm giữ giấy tờ gốc vì nó đi kèm với tài sản thế chấp. Cơ quan công an có thể chấp nhận bản sao công chứng và có xác nhận từ phía ngân hàng, rằng giấy đăng ký xe đó đang thuộc trách nhiệm quản lý của ngân hàng đối với chủ xe đang có khoản vay tại ngân hàng đối với tài sản đó.
Để giải quyết ngay lập tức vấn đề này, tránh gây thiệt hại cho người dân, ông Lực cho biết: “Theo tôi được hiểu, Nghị định không quy định cụ thể cần phải có giấy tờ gốc hay bản sao công chứng, đấy là một hướng để có thể tháo gỡ, có nghĩa là ngân hàng và công an cần thống nhất với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho bên vay là người tiêu dùng. Tôi ủng hộ việc cho phép phía ngân hàng nắm giữ tài sản gốc, hồ sơ gốc, còn cơ quan công an có thể chấp nhận bản sao có công chứng và có xác nhận của phía ngân hàng rằng đây là tài sản đang được cho vay”.
Theo thông lệ cũng như về tư duy, ngân hàng là bên cho vay nên trách nhiệm dân sự là vay thì phải trả. Nhưng ông Cấn Văn Lực băn khoăn khi ô tô là tài sản đảm bảo, nếu tài sản đảm bảo đó không có giấy tờ gốc, bên đi vay lại thiếu thiện chí, chẳng hạn như có thể làm mất xe, thì bên ngân hàng sẽ không biết làm thế nào để thực hiện quyền tài sản của mình.