13 năm dâu trưởng, chỉ khi cúng hết Tết mới về bên ngoại
Ngoài việc gói bánh chưng có chồng và bố chồng phụ, chị Hạnh gần như độc diễn trong bếp (ảnh minh họa) |
Mua từ củ hành, cho đến cân gạo nếp
Đó là tình cảnh của chị Hạnh (Cống Vị, Ba Đình). Bố mẹ chồng chị có 6 người con, ông bà làm nông nghiệp nên từ ngày chị cưới anh ông bà nghỉ ngơi. Các con hầu hết ở xa nên chỉ Tết mới về đoàn tụ.
“Quê chồng tôi cách Hà Nội 2h ô tô, nên cứ quẳng đồ xuống là tôi vội vàng lao lên chợ. Nào mắm, muối, mì chính nào mớ rau, củ hành… cho đến con gà, thịt lợn, thịt bò…tất tật một tay tôi khuân về chuẩn bị cho “huyện người” ăn suốt 3 ngày Tết với bữa Tất niên và hóa vàng”- chị Hạnh kể.
Việc đi chợ đã xong, buổi chiều ấy vợ chồng, cái con nhà chị trần lực dọn nhà, kê giường chiếu sẵn cho gia đình các chú về có chỗ ngủ. “Nhà ông bà chỉ 2 gian, 1 buồng ( hồi đầu mới về làm dâu thì gian buồng ấy cũng được giành cho chú thím ở cùng ông bà). Sau này chú thím ấy ở riêng, 2 chú còn lại cũng lần lượt có gia đình riêng. Nên ngoài việc ăn, mỗi độ Tết về cả nhà quây quần thì việc ngủ cũng đau đầu không kém”, chị Hạnh nói.
Kê đặt giường chiếu để ngủ tập thể xong xuôi, là đến công cuộc bếp núc. Nào ngâm gạo nếp, nào nướng thịt, nào mổ gà…cứ hai vợ chồng anh chị lọ mọ chuẩn bị sẵn chờ các em - người ở Hưng Yên, người ở Hà Tĩnh nên thường về muộn hơn.
“Dù tôi đã mua sẵn bánh kẹo nhưng mẹ chồng vẫn giữ thói quen làm chè lam và gói bánh tẻ. Thế nhưng bà không làm trước mà đợi khi nào chúng tôi về mới bày ra. Thế là từ tơm tởm sáng đến tim tỉm tối vẫn chưa hết việc. Đêm nằm lên giường mà toàn thân ê nhức với nỗi lo quên chưa ngâm mọc nhĩ, nấm hương để ngày mai làm nem…”- chị Hạnh kể.
Cái được lớn nhất là các con biết nguồn cội
Có những Tết, sau khi dọn dẹp xong 4 mâm cỗ Tất niên, chị Hạnh lại vội vàng rúc vào bếp. Khi chị đồ xong nồi xôi, luộc xong hai con gà cúng giao thừa và mùng một thì ngẩng lên cũng đã sắp đến giao thừa. Trong khi, ở trên nhà văng vẳng tiếng con, cháu, tiếng các em dâu cười phớ lớ xem Táo quân.
“Các chú, thím cũng chẳng nhận em mua món này, chị mua đồ kia hay em làm việc này, chị làm việc kia. Tất tật, cái gì cũng bác mặc dù chưa một lần mẹ chồng giao dâu trưởng lo toan Tết nhất. Lắm lúc bực nhưng phận dâu trưởng để các em về mà ăn uống sơ sài quá thì bản thân mình thấy áy náy. Thế là lại ra sức mua cho thật nhiều, nấu cho thật cầu kỳ để phục vụ”- chị Hạnh chia sẻ.
Ngày nào cũng như ngày nào, từ 28 cho đến mùng 3 Tết, trung bình mỗi ngày 6 mâm cỗ, chị Hạnh gần như không sờ đến điện thoại. Bạn bè gọi điện chúc Tết chị gần như không biết, ngay cả bố mẹ đẻ chỉ đến sáng mùng Một, sau khi chuẩn bị mâm cơm cúng xong, trong lúc chờ mẹ chồng đi lễ chùa, chị mới có thời gian gọi điện chúc Tết, hỏi thăm.
“Tôi thường phải ở nhà nội đến trưa mùng 3 để cúng hóa vàng, đại gia đình ăn uống xong, đến chiều vợ chồng cái con mới lục tục sang nhà ngoại. Mùng 5 Tết tôi mới tụ tập được bạn bè. Các bạn có vẻ ái ngại khi thấy tay tôi nứt toác mỗi lần Tết lên. Có bạn bảo, mình có nhà ở Hà Nội, sao không về chúc Tết ông bà trong ngày rồi lên? Tôi cũng nghĩ nhiều về điều đó, nhưng mỗi khi gần Tết thấy các con háo hức tính ngày được về quê, gặp các chú thím, các em… dẹp hết bực dọc, mệt mỏi tôi lại đùm dúm đưa các con trở về”- chị Hạnh cười tươi khi nhanh tay gói ghém túi bánh kẹo. Lại một Tết nữa, người phụ nữ ấy hết Tết mới về ngoại.