100% ĐBQH nhất trí thông qua Luật phòng cháy và chữa cháy
Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ 1/7/2014 quy định rõ, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có phương án phòng cháy và chữa cháy cho toàn khu, xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy phù hợp với phương án phòng cháy và chữa cháy.
Nhiều vụ cháy xảy ra trong thời gian qua gây thiệt hại lớn về người và của cải. |
Ngoài các phương án phòng cháy chữa cháy, các cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
Đối với cơ sở kinh doanh sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy nổ phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình liền kề. Việc xuất, nhập, vận chuyển sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ phải tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Một trong những cơ sở có nguy cơ và xảy ra nhiều vụ cháy nhất trong thời gian qua là các công trình cao tầng. Nắm bắt thực tế này, Luật phòng cháy và chữa cháy quy định rõ công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra, bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra.
Các công trình phải trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy, không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy.
Công trình trên mặt nước có nguy hiểm về cháy, nổ phải có giải pháp chống cháy lan, phương án, lực lượng, phương tiện bảo đảm tự chữa cháy.
Riêng công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản phải trang bị phương tiện để phát hiện và xử lý khí cháy, khí độc; phải có hệ thống thông gió, giải pháp chống cháy lan và các điều kiện bảo đảm thoát nạn an toàn, triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, tài sản và chữa cháy.
Đối với nhà khung thép mái tôn có diện tích lớn dùng để làm nơi sản xuất, kho chứa hàng dễ cháy, nổ phải có giải pháp chống cháy lan và hạn chế nguy cơ sụp đổ khi xảy ra cháy.
Tại các chợ, trung tâm thương mại phải tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh và hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có lối thoát nạn bảo đảm theo quy định và phương án thoát nạn, giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra…Chủ hộ kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ phải trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ.
Luật Phòng cháy chữa cháy cũng quy định rõ người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy, thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cũng phải bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy…
Việc xử lý trách nhiệm sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy. Đối với kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người phải có phương án di chuyển, bảo đảm khoảng cách an toàn.