Đó là thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho biết.
10 công ty bị tạm dừng đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc đến hết ngày 5/12/2013 gồm: HYCO LASEC (Lực Thông), HALASUCO (Dương Thăng), SONA (Gia Hưng), PHUTHO CO (Dương Thăng), VINAGIMEX., JSC (Lực Thông; Cát Thái; Thiên Tinh), VIETRAXIMEX (Gia Hưng), OLECO (Nguyên Tinh; Gia Hưng), SIMCO SDA., JSC (Lực Thông; Cát Thái; Lệ Lâm), V-COALIMEX (An An), POLIMEX HR., JSC (Thuận Lập).
Nguyên nhân do, qua đợt kiểm tra phỏng vấn người lao động Việt Nam, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phát hiện các công ty này thu phí đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan cao hơn so với quy định, bị lập giấy vay nợ khống không đúng theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các công ty chậm nhất 3 ngày trước khi thời hạn tạm dừng kết thúc, các công ty có trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết những vấn đề trên; giải trình, chấn chỉnh và khắc phục tình trạng thu phí cao và lập giấy vay nợ khống, đồng thời cam kết không tái phạm gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước để xem xét quyết định các biện pháp tiếp theo.
Đây được coi là động thái quyết liệt của Cục Quản lý lao động ngoài nước, góp phần ngăn chặn tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan sau khi hết hạn hợp đồng lao động (chiếm khoảng 10%).
Trước đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã cảnh báo, yêu cần chấn chỉnh ngay các hoạt động xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp đầu mối, tránh tình trạng ủy quyền, phó mặc mọi trách nhiệm cho các chi nhánh, văn phòng đại diện trong việc tổ chức tuyển chọn và đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài như hiện nay.
Theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tổng chi phí của người lao động đi làm việc tại Đài Loan trong các ngành công nghiệp không vượt quá 4.500USD/người/3 năm và trong đó tiền môi giới không quá 1.500USD/người, tiền đặt đọc không quá 1000 USD; giúp việc và chăm sóc sức khoẻ không vượt quá 3.800USD/người/3 năm và tiền môi giới không vượt quá 800USD/người. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người lao động cho biết, họ phải bỏ ra chi phí môi giới cao hơn nhiều so với thực tế với mức từ 5000 – 6000 USD. Nguồn: Báo Công thương |