Y tế hay công an giám định pháp y: Tranh luận kịch liệt
Y tế hay công an giám định pháp y: Tranh luận kịch liệt
Luật giám định tư pháp, Báo cáo của UBTV Quốc hội đưa ra hai phương án: giám định pháp y thuộc ngành y tế, hoặc thuộc ngành công an. Rất nhiều ý kiến trong buổi thảo luận sáng nay đã tập trung vào lĩnh vực này.
ĐB Đào Thị Xuân Lan, đoàn Hưng Yên đồng ý với phương án tập trung công tác giám định pháp y vào một đầu mối. Qua đó nên bỏ giám định pháp y của ngành công an để tập trung vào ngành y tế. Phương án này sẽ đảm bảo tính khách quan và chuyên nghiệp trong công tác giám định.
Bà Lan cho rằng, mô hình tổ chức giám định pháp y ở địa phương rất khác nhau. Trong đó công tác giám định chủ yếu tập trung vào sở y tế. Mặt khác ngành công an đang phải thực hiện rất nhiều công việc khác nhau, nếu công tác giám định thuộc về y tế cũng là cách san sẻ công việc cho ngành công an.
Đồng tình với quan niệm trên, ĐB Trương Thị Yến Linh, đoàn Cà Mau phản ánh thực trạng công tác pháp y trong nước hiện còn manh mún, đã đến lúc đưa pháp y quy về một mối, từ trung ương đến địa phương. Về lựa chọn phương án, Bà Linh kiến nghị nên để công tác pháp y cho ngành y tế quản lý. Công tác này hầu hết các nước trên thế giới đều do Bộ y tế và Bộ tư pháp quản lý. Việt Nam đã gia nhập WTO thì cũng nên thực hiện như vậy.
Phiên thảo luận tại hội trường "nóng" hơn với dự thảo luật giám định pháp y |
Lý do thứ hai bà Linh đưa ra là, trong quá trình điều tra án mạng, nếu do một cơ quan chỉ đạo và tiến hành thì dù khách quan đến đâu cũng bị nghi ngờ. Đặc biệt đối với những cái chết trong nhà tù, khi dẫn giải phạm nhân… nếu công an thực hiện giám định sẽ không đảm bảo tính khách quan.
Ngược lại khi có nạn nhân chết trong bệnh viện, nếu pháp y ngành y tế giám định có khách quan? Trả lời câu hỏi này, bà Linh cho biết, sẽ không mất đi yếu tố khách quan, không thể bưng bít, vì quá trình giám định chỉ là một khâu, một bộ phận. Mặt khác nếu xảy ra tình trạng chết người trong bệnh viện cũng chỉ là sai sót nghiệp vụ chứ không phải cố ý gây chết người.
Ngoài ra công tác pháp y nên thuộc ngành y tế, theo bà Linh vì nó phù hợp với xu hướng cải cách, hơn nữa chất lượng các vụ pháp y về y tế thường nhanh và mang lại hiệu quả cao. “Mong ĐB cân nhắc đưa giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế, để đảm bảo tính khách quan” – ĐB Linh kiến nghị.
Cũng theo luồng ý kiến này, ĐB Vũ Thị Nguyệt và nhiều ĐB khác cũng cho rằng, pháp y trong y tế đã có từ lâu năm và sẽ phát triển hơn nữa, vì thế nên để công tác pháp y thuộc về y tế. Ngành y tế đang có đội ngũ giám định viên chuyên sâu, có thể làm rất tốt công tác giám định.
Mặt khác khi công tác giám định thuộc ngành y tế quản lý, việc phối hợp giữa công an và y tế thực hiện tốt hơn. Y tế luôn trực 24/24 nên hoàn toàn có thể đáp ứng kịp thời yêu cầu của công an hình sự…
Đối lập với quan điểm trên, hàng chục ý kiến của các ĐB khác lại phản đối kịch liệt và muốn công tác giám định pháp y thuộc ngành công an quản lý.
Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, đoàn Hà Nội thì, giám định viên tư pháp nếu cung cấp sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Khi kiểm tra pháp y sẽ có nhiều đơn vị liên quan tham gia để đảm bảo tính khách quan. ĐB Chung cho rằng, công an đã có kinh nghiệm, đồng thời với cơ sở vật chất như hiện nay nếu di dời hoặc bỏ đi sẽ gây lãng phí. Vì thế công tác pháp y nên để cho công an đảm nhiệm.
Cùng quan điểm trên, Đại tá Nguyễn Minh Kha, ĐB TP Cần Thơ thống nhất phương án quy về một đầu mối. Ông Kha ủng hộ phương án giao công tác giám định pháp y cho Bộ Công an quản lý. Lý do vì hệ thống pháp y ngành công an đủ sức đấu tranh phòng chống tội phạm. Mặt khác lực lượng pháp y CAND có tính chiến đấu cao, bất kỳ đâu cũng có mặt để thực hiện.
Ủnh hộ quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thanh Hải, Hòa Bình phân tích, theo báo cáo giải trình của ngành y tế, nguồn lực khám chữa bệnh cho người dân đang gặp khó khăn. Nếu nhận thêm nhiệm vụ này sẽ quá nặng nề. Hơn nữa mục đích lớn nhất của ngành y tế là chăm sóc sức khỏe cho người dân, vì thế nên để ngành này tập trung vào chuyên môn.
Ngoài hai luồng ý kiến đối lập trên, một số ý kiến cũng kiến nghị nên hợp nhất hai bộ phận thành một phòng pháp y, trong đó có cả đội ngũ ngành y tế và công an, như vậy sẽ hỗ trợ cho nhau, và vẫn đảm bảo tính khách quan.
Bên cạnh việc sáp nhập và công tác quản lý, nhiều ý kiến cũng đề cập đến vấn đề xã hội hóa công tác pháp y. Nhiều ý kiến ủng hộ phương án này để giảm tải cho công tác pháp y nhà nước. Song cần giới hạn độ tuổi, những cán bộ trong ngành công an, y tế không được đứng lên thành lập phòng pháp y tư nhân. Mặt khác giám định viên không được tổ chức giám định cho người nhà, bạn bè thân thiết… để bảo đảm tính khách quan, trung thực.
Nguyễn Dũng