Xúc động nghe chuyện năm tháng hào hùng khi "cái chết nhẹ tựa lông hồng"
Người mất chồng, người mất đi một phần thân thể nhưng họ đều có chung một tâm niệm “chiến đấu cho nền độc lập của đất nước” nên coi sự hy sinh của gia đình, bản thân như là lẽ thường tình mặc cho trong lúc kể chuyện những kỷ niệm xưa ùa về khiến giọng họ có đôi lúc nghẹn lại…
BàPhạm Thị Hương (áo đỏ) và Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Hướng giao lưu tại lễbiểu dương người có công tiêu biểu Thành phố Hà Nội. |
Hai chị em ruột cùng mất chồng trong chiến tranh
Tại buổi lễ biểu dương người có công tiêu biểu Thành phố Hà Nội do Thành ủy – HĐND- UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 10/7 nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017) đã có rất nhiều câu chuyện xúc động.
Đó là câu chuyện của bà Phạm Thị Hương (ở Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội). Bà Hương kể, tháng 2/1971 bà làm đám cưới thì đến đến tháng 9 năm đó chồng bà đi nhập ngũ. Cưới nhau 6 tháng nhưng thời gian sống cùng nhau cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi thời gian ấy, chồng bà còn đang là sinh viên trường ĐH Thương Mại. Tháng 4 năm 1972 chồng bà đi chiến trường Miền Nam khi bà mới sinh con hơn một tháng tuổi.
“Lúc ấy tổ quốc đang lâm nguy nên tôi nén tình cảm vợ chồng để chồng ra chiến trường giành độc lập tự do cho tổ quốc. Thời điểm đó sinh viên các trường đại học đều được tổng động viên ra chiến trường nên tôi động viên chồng đi làm nhiệm vụ giống như bao gia đình Việt Nam khác. Khi đi, anh cũng lo lắng vì tôi mới sinh ở tập thể bên Gia Lâm, bố mẹ hai bên đều đã già… Tôi động viên anh cứ yên tâm lên đường, em ở nhà chăm sóc mẹ và nuôi con khôn lớn” – bà Hương nghẹn lời kể.
Đó cũng là lần cuối cùng bà được ở cùng chồng, đó cũng là lần cuối cùng chồng bà được bế bồng con trên tay. Thời gian đầu, bà còn nhận được tin chồng, sau thưa dần rồi mất liên lạc. 3 năm sau, bà nhận được giấy báo tử…
Nén xúc động vào trong, bà Hương cho biết, chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, đến giờ con đã lớn, xây dựng gia đình nhưng “tôi vẫn thường xuyên nói với con "làm gì cũng phải noi gương bố, sống cho có ích”". Rồi bà bảo mình vẫn còn may mắn bởi đến giờ đã có cháu nội để ẵm bồng, còn chị bà còn không kịp có con, đến giờ vẫn chưa tìm thấy phần mộ chồng.
Chàng trai xứ Nghệ viết đơn xin nhập ngũ
Là người “sót” lại trong chiến tranh, từng tham gia hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, vào sinh ra tử, đã mất một bên xương hàm nhưng Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Hướng (quê ở Anh Sơn, Nghệ An) vẫn giữ được tinh thần, khí thế từ những ngày đầu mới ra chiến trận.
“Tôi là con mồ côi, lại thấp bé nhẹ cân nên không được đi bộ đội. Nhưng với mong muốn được tham gia đánh giặc, tôi đã làm đơn xin đi. Rất may, đơn tình nguyện của tôi được đáp ứng, tôi lên đường nhập ngũ năm 1964, khi tôi mới ngoài 20 tuổi. Khi đi đơn vị của tôi hành quân vào Quảng Bình, vượt Trường Sơn vào Miền Nam. Cuộc sống kham khổ, hầu hết đi bộ nhưng khí thế tuổi thanh xuân lúc đó rất háo hức.
Năm 1965, đơn vị tôi tham gia chiến trường Kon Tum. Hết năm 65 vào Miền Đông Nam Bộ (ở vùng ven Sài Gòn nơi sư 35A đảm nhiệm nhiệm vụ). Trong chiến đấu, tôi tham gia trên 100 trận từ tiểu đội đến cấp sư đoàn. Nhất là chiến trường Miền Đông Nam Bộ- đánh không được nghỉ. Trong một trận chiến tôi đã bị thương – mất một bên hàm. Khi nằm điều trị, tôi nhớ đơn vị, nhớ những trận đánh và chỉ mong được trở lại chiến trường. Khi sức khỏe của tôi tạm ổn, cấp trên cho tôi về tuyến sau. Bởi, tôi biết, các đồng chí ấy nghĩ cho tôi, nhưng tôi cũng biết nếu tôi phải về tuyến sau cũng là khó khăn cho đơn vị. Bởi lúc bấy giờ, chúng ta mới chỉ đánh ngụy, chưa đánh Mỹ mà tôi là một trong số ít chiến sĩ có thể tham gia bắn xe tăng của Mỹ bằng súng b40 được.
Trước tình thế ấy, một lần nữa tôi lại viết đơn xin tình nguyện ở lại. Cam kết, ra chiến trường nếu không ăn được lương khô, gạo rang thì sẽ giã ra hòa nước với đường ăn” - bác Hướng kể lại.
Nói về chiến thắng của dân tộc, bác Hướng cho rằng đó là tinh thần là ý chí không những bản thân ông mà toàn bộ cán bộ chiến sĩ trước khi lên đường thời bấy giờ.
“Nếu không có tinh thần, xác định cái chết nhẹ tựa lông hồng thì mình chết trước. Giống như việc mình ngắm đường bắn chuẩn nhưng tinh thần không tốt bóp cò chắc chắn chệch… Do đó, với chúng tôi lúc bấy giờ điều duy nhất đó là chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu đồng chí trước ngã xuống, đồng chí sau xông lên... Thà chết chứ không khuất phục! Tôi nghĩ chính ý chí ấy đã đem lại chiến thắng, giải phóng đất nước, đem lại độc lập chủ quyền của dân tộc”- bác Hướng chia sẻ thêm.