Xử vụ vỡ đường ống nước Sông Đà: Công bố lời khai của ông Phí Thái Bình
Như tin đã đưa, phiên tòa xét xử vụ vỡ đường ống nước Sông Đà sáng nay tiếp tục với phần thẩm vấn. Trả lời HĐXX về nguyên nhân làm vỡ đường ống nước sông Đà, các giám định viên cho biết, việc tiến hành giám định được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Theo cơ quan giám định, chất lượng xi măng, gạch, cát tại công trình được kiểm tra, còn đường ống nước thì nhà thầu lại không kiểm sát chặt chẽ dẫn đến hậu quả trên.
Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Vietnamnet) |
Về nguyên nhân vỡ đường ống, giám định viên cho rằng, do áp lực tiến độ, nhà thầu và đơn vị thi công đã dùng ống có “thành ống thi công không đồng đều, có khuyết tật trên bề mặt ống”, theo thời gian, do áp lực nước được bơm mạnh từ nhà máy đến các hộ dân dẫn đến vỡ đường ống nước đến 18 lần…
Lời khai của ông Phí Thái Bình
Được triệu tập đến tòa với tư cách là người liên quan, nhưng vì lý do sức khỏe, ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có đơn gửi đến tòa án xin vắng mặt.
Theo lời khai của ông Bình được HĐXX công bố sáng nay, dự án cấp nước Sông Đà xuất phát từ mong muốn khắc phục tình trạng thiếu nước của TP Hà Nội.
Dự án này được cho phép thực hiện với 2 giai đoạn đầu tư, tổng kinh phí là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn tự có và vốn khác, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Giai đoạn 1 của dự án đã cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân Thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng. Sự việc vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex.
Việc chuyển đổi từ vật liệu gang dẻo sang ống composite đã được Bộ Xây dựng đánh giá là đảm bảo yêu cầu và đúng với các quy định liên quan. Về đơn vị cung cấp thiết bị, ông Bình cho rằng Viglafico có đủ năng lực sản xuất ra ống phục vụ dự án...
Tại phiên tòa sáng nay, ông Nguyễn Duy Khang - Chủ nhiệm đồ án thiết kế dự án cấp nước, nguyên Giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng Vinaconex cũng đã giải trình việc sử dụng vật liệu cho dự án.
Theo ông Khang, cơ sở để đưa ra các chỉ tiêu sử dụng ống cốt sợi thủy tinh phải đạt tiêu chuẩn ASI/AWWA, khoảng thời gian làm việc của ống tối thiểu là 50 năm. Sử dụng cốt sợi thủy tinh là công nghệ mới, được sản xuất theo các tiêu chuẩn của Mỹ.
"Khi làm, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ các tiêu chuẩn về sử dụng các ống cốt sợi thủy tinh, cũng như tính toán thiết kế, đáp ứng những tiêu chuẩn tính toán của cốt sợi thủy tinh này để thực hiện dự án. Vì vậy, chúng tôi đã đưa ra những tiêu chuẩn về việc sử dụng ống theo tiêu chuẩn ASI/AWWA C95 – 01. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo các tiêu chuẩn thiết kế khác về ứng dụng cho các ống cốt sợi thủy tinh và đã thuê công ty tư vấn chuyên về nguồn nước tham gia, làm việc cùng nên chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi dự án đi vào hoạt động".
Trả lời tòa về biện pháp của tư vấn thiết kế và chủ đầu tư xử lý nền đất yếu mà sau này cho lắp đặt các ống trong bản vẽ thi công, ông Khang tường trình: Khi khảo sát đã phát hiện ra nền đất yếu nên chủ đầu tư, Ban quản lý đã chủ động khảo sát bổ sung, thuê những tư vấn để xử lý; và kết quả tính toán của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng đã được công bố. Theo tôi, thiết kế chế tạo ống thuộc trách nhiệm của công ty sản xuất ống. Trong khi thử áp lực ống trước khi lắp đặt, Ban quản lý tư vấn giám sát phải có trách nhiệm giám sát công việc này và phải thực hiện theo đúng hợp đồng.