Xử vụ “bầu” Kiên: Các ngân hàng trình bày quan điểm
Đại diện Ngân hàng Vietinbank tại phiên tòa sáng nay (Ảnh: XH) |
Sáng nay, đại diện Ngân hàng ACB, Ngân hàng Vietinbank trình bày quan điểm của mình về số tiền 718 tỷ đồng, số tiền này do ACB ủy thác cho nhân viên của mình gửi tiền vào Vietinbank và bị Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạt gian dối chiếm đoạt.
Đại diện Ngân hàng ACB tiếp tục yêu cầu Vietinbank trả lại số tiền 718 tỷ đồng. ACB tiếp tục khẳng định không yêu cầu Huyền Như và các bị cáo trong vụ án này trả tiền và việc thực hiện các hợp đồng gửi tiền tại Vietinbank là hợp pháp. Căn cứ của Vietinbank đưa ra để từ chối trách nhiệm số tiền 718 không đúng pháp luật.
Việc Vietinbank không giao thẻ tiết kiệm cho khách hàng là lỗi của Vietinbank chứ không phải là lỗi của các nhân viên ACB. Các nhân viên ACB cũng không ký kết việc gửi tiền với Huyền Như mà ký kết với Vietinbank. Việc thỏa thuận lãi suất vượt trần nếu có là lỗi của khách hàng cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của Vietinbank. Đối với việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB, đơn vị này không bị mất mát số tiền gần 688 tỷ đồng như truy tố.
Tại tòa, đại diện Ngân hàng Vietinbank đặt câu hỏi: "ACB vi phạm pháp luật hay Vietinbank vi phạm?" Bắt đầu tranh luận về khoản tiền 718 tỷ đồng, đại diện Vietinbank nói rằng, về hình thức hai ngân hàng không có bất cứ giao dịch nào. Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra sân chơi riêng là liên ngân hàng, vậy tại sao ACB không thực hiện vấn đề này. ACB đang vì lợi nhuận cao để lách luật, lừa dối Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Vị đại diện Vietinbank cho rằng, chắc chắn NHNN không cho phép ACB đưa tiền cho nhân viên đi gửi tiền. Đây là hành vi lách luật của ACB. Đối với tranh luận của các luật sư của ACB, vị đại diện này cho rằng, các luật sư đã bị thân chủ giật dây để chỉ trích NHNN. Các luật sư muốn đưa sự việc sang xử lý dân sự, nhưng không hiểu rằng, việc giao dịch này nằm trong phạm trù hình sự. Đại diện Vietinbank cũng cho rằng, việc Huyền Như chiếm đoạt tiền bắt nguồn từ lỗi của nhân viên ACB.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát trình bày: "Trong suốt 10 ngày tại phiên tòa, tôi muốn nói vì sao không biết việc đàm phán. Tôi và anh Kiên là bạn bè rất lâu và không có mâu thuẫn, vướng mắc gì, việc bị lừa chỉ là khách quan. Việc mua 20 triệu cổ phiếu của Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) đến 2 tháng sau tôi mới biết. Đây là sơ suất, tôi khẳng định khi anh Trần Tuấn Dương ký tôi không hề biết việc này. Năm 2012 chủ trương Hòa Phát là co cụm lại để tập trung đầu vào thép, còn anh Kiên thì trường vốn hơn, tôi rất muốn mua cổ phiếu này của anh Kiên".
Ông Kiều Chí Công, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát nói: "Tôi có công văn gửi quý tòa yêu cầu làm rõ đến giờ phút này tôi đã thu được số tiền 264 tỷ đồng mua cổ phiếu của Cty ACBI, vậy xin HĐXX cho biết tôi có là nguyên đơn dân sự không?".
Tại tòa bà Đặng Ngọc Lan, Giám đốc Cty B&B (vợ “bầu” Kiên) cho rằng: "Khi cơ quan điều tra gửi tư cách bị đơn dân sự, tôi không hiểu vì sao, đến giờ chưa có văn bản nào yêu cầu liên quan đến nộp thuế, đề nghị tòa xem xét lại tư cách của Cty B&B".
Đại diện Cty ACI và ACI – HN nói: "Đây là hai pháp nhân hoàn toàn độc lập, chúng tôi không có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gì đến ACBS vì không nợ nần gì. Hiện nay chúng tôi không có nghĩa vụ tất toán cho Vietinbank nếu họ yêu cầu, còn đối với các bị cáo chúng tôi không có yêu cầu gì".
Đại diện 19 nhân viên ACB cho biết: "Nhân viên ACB có trách nhiệm với ngân hàng ACB về khoản tiền 718 tỷ đồng gửi ngân hàng Vietinbank và chúng tôi phải có trách nhiệm đòi Vietinbank hoàn trả số tiền này".
Đại diện Kienlongbank: "Tôi khẳng định rằng, hoạt động liên ngân hàng và mua trái phiếu của Cty ACBS là hai hoạt động độc lập. Việc trái phiếu được lãnh đạo hai ngân hàng nghiên cứu chỉ đạo. Hợp đồng trái phiếu của ACBS là hợp đồng 2 năm trong khi hợp đồng liên ngân hàng chỉ 3 tháng, như vậy Kienlongbank cũng phải tự huy động các nguồn vốn khác".
Infonet tiếp tục thông tin về phiên tòa...