Xử lý sai phạm cán bộ công chức, buộc thôi việc nếu tham nhũng
Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Chia sẻ về những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: bên cạnh điểm nhấn bỏ viên chức suốt đời, thì trong lần sửa đổi này, Luật quy định cụ thể hơn các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ đương chức cũng như cán bộ về hưu.
Theo đó, Luật quy định cán bộ, công chức tham nhũng bị buộc thôi việc.
Cụ thể, để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng nêu tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, luật sửa đổi lần này đã bổ sung thêm quy định về việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng.
Theo đó, cán bộ, công chức sẽ bị buộc thôi việc trong 2 trường hợp: Bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo; Bị kết án về tội phạm tham nhũng;
Như vậy, có thể thấy, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý. Nó không chỉ thống nhất các quy định của pháp luật mà còn giúp công tác phòng, chống tham nhũng được nghiêm minh hơn.
Ngoài ra, đối với công chức nghỉ hưu có thể bị kỷ luật “xóa tư cách chức vụ”. LS Lê Hồng Vân cho biết, một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi lần này là việc bổ sung thêm 1 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt nhấn mạnh sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.
Cụ thể, tại khoản 7 Điều 1 Luật này nêu rõ, sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Đặc biệt, việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng nói rõ, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu trước có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1/7/2020 cũng được thực hiện theo quy định của Luật này.
Như vậy, có thể thấy, quan niệm “hạ cánh an toàn” trước đây bắt đầu từ 1/7/2020 sẽ hoàn toàn bị loại bỏ. Đồng thời, quy định này cũng thống nhất và đồng bộ với những văn bản quy phạm pháp luật khác như Quy định số 102-QĐ/TW và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành…
Cũng tại Luật này quy định kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật. Theo đó, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Trong đó, theo quy định hiện hành, thời hiệu áp dụng với công chức là 24 tháng.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, thời gian 24 tháng là quá ít khi hành vi vi phạm để bị kỷ luật của công chức nhiều khi rất khó phát hiện, xử lý và đang cào bằng giữa các hình thức xử lý vi phạm. Do đó, để phù hợp với thực tế, Luật sửa đổi đã kéo dài thời hiệu cụ thể:
2 năm nếu bị kỷ luật khiển trách; 5 năm với các hành vi không thuộc trường hợp bị khiển trách.
Đặc biệt, Luật sửa đổi còn bổ sung 4 hành vi không áp dụng thời hiệu xử lý. Cụ thể: Cán bộ, công chức là Đảng viên vi phạm đến mức bị kỷ luật khai trừ; Vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Đồng thời, dự án Luật này cũng kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức: Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày (hiện nay là 2 tháng); Nếu vụ việc có tình tiết phức tạp cần phải thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày (hiện nay đang là 4 tháng)…