Xử lý đăng kiểm nếu tàu thuyền kém chất lượng
Tàu thuyền chở người kém chất lượng, cần xử lý đơn vị đăng kiểm. (Ảnh minh họa) |
Luật giao thông đường thủy nội địa sửa đổi quy định về trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân. Thuyền trưởng, người lái phương tiện, người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn phải khẩn cấp cứu người, phương tiện, tài sản.
Cơ quan cứu nạn nhận tin báo, phải cử ngay người đến, còn cơ quan công an phải điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người bị nạn có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn…
Tuy nhiên, thảo luận cho ý kiến về nội dung này vào chiều 13/1, nhiều ý kiến còn nhấn mạnh đến công tác đăng kiểm, và giám sát chất lượng tàu thuyền đang hoạt động sau đăng kiểm.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, các vụ tai nạn thuyền đò, gây chết người có nguyên nhân từ phương tiện không đảm bảo chất lượng. Ông đề nghị tất cả phương tiện đường thủy đã chở khách thì phải được đăng kiểm đầy đủ. Nếu thấy chở quá quy định cần xử phạt ngay tại chỗ, đăng kiểm phải làm quyết liệt trong việc này.
Theo Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa, không nên mở rộng phạm vi đường thủy nội địa theo nghĩa bao hàm tất cả các quy định luồng, vận tải để đảm bảo tính khả thi. Bởi đường nội thủy, đường biển, nội thủy có chỗ tới 100 hải lý, như vậy có quản lý hết được không?
Đồng tình với ý kiến của ông Ksor Phước, chủ nhiệm Khoa cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do đăng kiểm phương tiện chứ không phải đăng ký phương tiện. Đây phải được coi là khâu tất yếu trong quản lý đường thủy nội địa.
Ngoài ra ông cũng đề nghị luật sửa đổi cần giới hạn độ tuổi sử dụng phương tiện thủy, ít nhất cũng phải quy định hạn tuổi thấp nhất cho người điều khiển phương tiện.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tai nạn đường thủy hết sức ghê gớm, gây thiệt hại lớn về người và của. Để hạn chế tình trạng này, cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể vào trong luật.
“Luật giao UBND xã quản lý thì xã phải làm gì? Không làm bị xử lý thế nào? Phải quy định trách nhiệm quản lý cho rõ”. Chủ tịch cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm. Tất cả các loại tàu lớn, bé khi chở người bắt buộc phải đăng kiểm và cần giám sát chặt chẽ sau đăng kiểm.
“Nguyên nhân của tai nạn đều do công tác quản lý cả. Ở đây có hai vấn đề, cấp phép nhưng không đủ chất lượng, hoặc khi cấp phép đủ điều kiện, nhưng sau đó bị xuống cấp lại không đi kiểm tra, khắc phục. Luật cần quy định rõ trách nhiệm cụ thể. Để tàu không đảm bảo chất lượng, phải xử lý đơn vị đăng kiểm” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo xây dựng luật cần gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước. Công tác đăng ký, đăng kiểm cần đánh giá lại cho đúng thực tế, phù hợp với từng vùng miền. Phương tiện chở người dù lớn hay nhỏ cũng phải được đăng kiểm. Ngoài ra ban soạn thảo cũng cần quy định, giới hạn độ tuổi thế nào cho phù hợp.
Bà Ngân đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, chỉnh lý sửa đổi luật để trình ra QH vào kỳ họp tới.