Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bác sỹ ra y lệnh bằng miệng?
Đặt câu hỏi với điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng về việc có báo cáo với ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực) về việc ngày 28/5/2017 có kỹ sư lên sửa chữa hệ thống RO số 2 hay không, bà Hằng cho hay “chỉ báo cáo chung chung, không biết nội dung sửa chữa chi tiết như thế nào”.
Điều dưỡng Hằng cho biết, sáng 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố y khoa), sau khi điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo đã sửa chữa xong, bà Hằng không báo với ông Khiếu vì từ trước đến nay các điều dưỡng vẫn chỉ báo cho bác sỹ.
“Bác sỹ cho chỉ định là chúng tôi cho máy hoạt động. Không có ai yêu cầu phải báo cáo Trưởng khoa”, điều dưỡng Hằng cho hay.
Cũng theo bào Hằng, tại thời điểm 7h sáng 29/5, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo có mặt đầy đủ 3 bác sỹ Hoàng Công Lương, Phạm Thị Huyền và Nguyễn Hoàng Linh.
Điều dưỡng Hằng được phân về khoa Hồi sức tích cực từ năm 2015 theo chỉ đạo miệng của Trưởng khoa Điều dưỡng Đinh Tiến Công. Về sử dụng trang thiết bị ở đơn nguyên, bà Hằng cho hay các điều dưỡng được phân công sử dụng và có trách nhiệm quản lý, các điều dưỡng đều có trách nhiệm như nhau.
Khi HĐXX đặt câu hỏi "Theo quy chế của Bệnh viện, bác sỹ là người thực hiện thủ thuật đường vào mạch máu, sáng 29/5, ai là người chọc kim cho các bệnh nhân trong ca lọc thận?", điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng khẳng định cả bác sỹ và điều dưỡng đều thực hiện việc này, còn cụ thể ai thực hiện thì bà Hằng không nhớ.
Việc để điều dưỡng viên thực hiện chọc kim vào người bệnh nhân đã được quy định trong quy trình hướng dẫn nội khoa. Quyết định 3592 năm 2014 của Bộ Y tế, Mục 4 - Nối vòng tuần hoàn ngoài cơ thể thì điều dưỡng có thể chọc kim SAV.
Các bị cáo trong vụ án tai biến y khoa ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. |
Sau khi đặt câu hỏi với điều dưỡng Hằng, các luật sư đặt câu hỏi với bác sỹ Phạm Thị Huyền, người cùng làm việc với bác sỹ Hoàng Công Lương ở đơn nguyên Thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình). Bác sỹ Huyền khẳng định: Tại đơn nguyên Thận nhân tạo, chỉ duy nhất bác sỹ Hoàng Công Lương được quyền ra y lệnh.
“Để ra y lệnh, bác sỹ phải có 2 điều kiện: Chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ lọc máu, tôi mới chỉ có chứng chỉ hành nghề”, bác sỹ Phạm Thị Huyền nói. “Việc bác sỹ Lương ký vào bệnh án là để đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu và đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm”.
Bác sỹ Huyền cũng khẳng định Hoàng Công Lương được giao phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo, còn về mặt chuyên môn, phụ trách chung là Phó trưởng khoa Hoàng Công Tình.
“Khi bác sỹ Lương vắng mặt thì có ủy quyền cho chúng tôi ra y lệnh. Ủy quyền bằng miệng và ra y lệnh bằng miệng”, bác sỹ Huyền nói.
Tuy nhiên, trước đó, bị cáo Hoàng Công Lương cũng khẳng định "ở đơn nguyên, bác sỹ nào có chứng chỉ hành nghề là có thể ra y lệnh".
Theo lời khai, Huyền có mặt tại đơn nguyên vào 7h sáng 29/5, sau khi các bác sỹ hội ý, thăm khám, Huyền và Linh xin ý kiến Hoàng Công Lương và cho điều dưỡng cắm kim.
“Chúng tôi không thăm khám cụ thể mà chỉ quan sát bằng mắt thường và nghe báo cáo của điều dưỡng. Thời điểm các điều dưỡng kết nối máy chạy thận với bệnh nhân khoảng 7h15-7h20 sáng 29/5” bác sỹ Phạm Thị Huyền khai.
Đáng chú ý, Huyền khai việc ra y lệnh bằng miệng chứ không bằng bệnh án vì tại thời điểm xảy ra sự cố, hồ sơ bệnh án chưa đầy đủ. Sau khi xảy ra sự cố, ông Hoàng Đình Khiếu và ông Hoàng Công Tình chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ bệnh án.
Luật sư đặt câu hỏi sau khi thăm khám, có đúng bác sĩ Lương lên thăm khám tại Khoa Hồi sức tích cực hay không, bác sỹ Huyền trả lời: “Tôi không rõ, chỉ biết bác sĩ Lương nói là lên Khoa. Bác sỹ Lương không nhờ theo dõi bệnh nhân, chỉ nói là trông Khoa, khoảng 2-3 phút sau khi xảy ra sự cố thì bác sỹ Lương có mặt tại khoa. Sau khi thấy biểu hiện bất thường, tôi chỉ cho điều dưỡng dừng máy chạy thận và trả lại máu cho bệnh nhân”.