Xét xử phúc thẩm vụ án 7 CCB già yếu bị khép tội “hủy hoại rừng"
Các CCB trước phiên tòa đều đã tuổi cao, sức yếu. |
Vướng vòng lao lý
Sáng 14/12, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên xét xử phúc thẩm lần 2, đưa vụ án “hủy hoại rừng” liên quan đến 7 CCB ra xét xử.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2008, UBND xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) bàn giao 21ha rừng tại khu vực Đắk Nhu (khu vực tiếp giáp với tiểu khu 1710, xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa) cho hộ ông Nguyễn Văn Đạt (Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 6, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) và Nguyễn Nam Thái (trú cùng địa phương) quản lý, bảo vệ và trồng rừng.
Đến tháng 12/2014, ông Đỗ Mạnh Hùng được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 6 thay cho ông Đạt. Vào ngày 10/01/2015, tại cuộc họp của chi hội, ông Hùng đã nêu thực trạng rừng của chi hội quản lý đã bị lấn chiếm, đồng thời đề xuất phương án phát dọn 1ha đất rừng còn lại để trồng cây keo sản xuất, gây quỹ hoạt động và được tất cả các hội viên nhất trí.
Trong các ngày 24-25/1 và 19-20/4/2015, các thành viên trong chi hội CCB thôn 6 đã mang 4 dao phát, 2 máy cưa đi phát quang trên 0,78ha diện tích đất rừng. Sau khi phát hiện ra vụ việc, cơ quan chức năng cho rằng đây là "vụ phá rừng nghiêm trọng" nên đã vào cuộc điều tra.
Sau đó, VKSND thị xã Gia Nghĩa xác định 7 người gồm: Đỗ Mạnh Hùng (SN 1962), Nguyễn Xuân Dũng (SN 1960), Vũ Tất Đắc (SN 1953), Đoàn Xuân Trường (SN 1974), Hoàng Văn Sằn (SN 1957), Nguyễn Nam Thái (SN 1967) và Cao Minh Điến (SN 1968, tất cả cùng trú thôn 6, xã Trường Xuân) có hành vi “hủy hoại rừng”.
Cơ quan chức năng cáo buộc, những người nói trên đã có hành vi sử dụng dao phát, cưa máy hủy hoại 0,78ha rừng tại lô 3 và 6, khoảnh 1, tiểu khu 1710, thuộc phần quản lý của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (ở xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa).
Đến ngày 14/4/2015, TAND thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) mở phiên xét xử đối với 7 CCB. Tại phiên tòa này, HĐXX đã tuyên phạt Đỗ Mạnh Hùng 7 tháng tù giam; những người còn lại chịu mức án 6 tháng tù giam cùng tội danh “hủy hoại rừng”.
Bên cạnh đó, 7 bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải bồi thường thiệt hại lâm sản và thiệt hại môi trường với tổng số tiền 42,7 triệu đồng.
Cho rằng mình bị oan, các CCB đã kháng cáo bản án của TAND thị xã Gia Nghĩa lên cấp phúc thẩm.
Ngày 21/6/2015, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án trên. Tại phiên tòa này, HĐXX đã chỉ ra nhiều điểm bất nhất của vụ án và tuyên trả hồ sơ để điều tra lại.
Dù quá trình điều tra lại chưa làm rõ được những điều cấp phúc thẩm yêu cầu, tuy nhiên, đến tháng 11/2016, VKSND thị xã Gia Nghĩa vẫn truy tố 7 CCB trên về tội “hủy hoại rừng”.
Tiếp đó, đến cuối tháng 8/2017, 6 cựu chiến binh bị bắt tạm giam để phục vụ công tác xét xử. Riêng ông Đoàn Xuân Trường đã chết trước đó vì tuổi cao, sức yếu nên cơ quan tố tụng phải đình chỉ vụ án với người này.
Ngày 12/9/2017, TAND thị xã Gia Nghĩa mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2, giữ nguyên mức hình phạt đối với các bị cáo: ông Đỗ Mạnh Hùng 7 tháng tù giam, các bị cáo còn lại phải chịu mức án 6 tháng tù giam.
Nhiều điều bất hợp lý trong hồ sơ
Người bào chữa cho 7 bị cáo là Luật sư Nguyễn Thanh Huy (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông) cho rằng, trong Biên bản vi phạm hành chính ngày 27/3/2015 và Biên bản xác minh ngày 28/3/2015 do ông Nguyễn Thanh Tùng - Cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa lập xác định: diện tích rừng tại lô 3, 6 khoảnh 1 Tiểu khu 1710 bị phá là 0,98ha, mức độ thiệt hại 100%.
Như vậy, tại thời điểm ngày 27/3/2015 thì diện tích rừng tại lô 3, lô 6 khoảnh 1 Tiểu khu 1710 đã không còn. Thế nhưng, đến ngày 19 và 20/4/2015, các bị cáo vẫn bị quy kết phá rừng tại lô 3, 6 khoảnh 1 Tiểu khu 1710 với diện tích 0,4ha là quá vô lý.
Luật sư Huy cũng giả sử rằng, nếu các bị cáo có chặt phá rừng trong các ngày 24-25/1 thì diện tích bị phá 0,4ha cũng chưa đủ yếu tố cấu thành tội “hủy hoại rừng” và chưa đến mức phải xử lý hình sự. Hơn thế, 2 chiếc cưa lốc bị tịch thu đã hư hỏng, không còn sử dụng được nhưng chưa được CQĐT kiểm định để làm rõ là không hợp lý.
Ngoài ra, khi kiểm tra hiện trường, cơ quan điều tra đã không mời những người bị cho là vi phạm tham gia, không chụp ảnh hiện trường, không xác định tọa độ và không mô tả chi tiết về hiện trường như: mật độ cây bị chặt, vết chặt phá mới hay cũ... Bên cạnh đó, thời gian kiểm tra, đo đếm, xem xét hiện trường quá “chóng vánh” (1 giờ 30 phút) cũng là điểm bất hợp lý.
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng, ông Nguyễn Nam Thái bị tòa sơ thẩm kết tội “hủy hoại rừng” với vai trò đồng phạm là hoàn toàn thiếu căn cứ. Trong ngày 24/1/2015, ông Thái (lúc đó là thôn trưởng) cùng với công an viên là anh Hoàng Văn Cây vào hiện trường giải quyết tranh chấp đất giữa các CCB của thôn với anh Nguyễn Hữu Thuận, người có rẫy gần khu vực rừng.
Sau khi giảng hòa thành công, ông Thái về nhà chứ không tham gia phát quang, cũng không hề có mặt tại cuộc họp của Chi hội CCB thôn vào ngày 10/1/2015.
Cũng theo luật sư Huy, căn cứ theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là Điều 119 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 về quy định các trường hợp được bắt tạm giam thì việc cơ quan chức năng thực hiện bắt tạm giam 6 bị cáo là không phù hợp.
Bởi lẽ, trong vụ án này, các bị cáo đều có nhân thân tốt (là các cựu chiến binh), có nơi cư trú rõ ràng, tuổi cao, sức yếu.
Trước đó, vào ngày 11/8/2017 khi tòa án giao quyết định đưa vụ án ra xét xử, mặc dù không có giấy triệu tập (chỉ thông qua điện thoại) nhưng các bị cáo đều có mặt đầy đủ để nhận quyết định.