Xét nâng mức phạt hành chính lên tối đa 2 tỉ đồng
Xét nâng mức phạt hành chính lên tối đa 2 tỉ đồng
Dự thảo cũng giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: các cơ quan có thẩm quyền có thể tham khảo thêm đời sống nhân dân của từng thành phố, địa phương, sau đó mới có quy định cụ thể và đề nghị cần xử phạt nặng hơn đối với các vi phạm về giao thông, môi trường tại các đô thị. Đồng tình với quan điểm này, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng: Cần xét riêng tăng mức phạt hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Về mức phạt tiền đối với VPHC, dự thảo đã nâng mức xử phạt tiền tối thiểu lên 50.000 đồng (gấp 5 lần) và tối đa là 2.000.000.000 đồng (gấp 4 lần). Theo Thường trực Uỷ ban Pháp luật Quốc hội (UBPL): mức phạt tiền trong dự thảo Luật là quá cao so với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như thu nhập của nhân dân; đồng thời cũng không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ luật hình sự (Phụ lục), chẳng hạn, đối với người có hành vi huỷ hoại rừng sẽ bị Toà án tuyên phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng (Điều 189 Bộ LHS) nhưng cũng hành vi này trong dự thảo Luật xử lý VPHC xử phạt tiền tối đa đến 2 tỷ đồng (điểm b, khoản 10 Điều 24 dự thảo Luật).
Thường trực UBPL cũng cho rằng, nếu chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà không quan tâm các giải pháp khác về kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì sẽ không đạt được mục đích để giảm vi phạm mà sẽ tạo ra bất lợi về nhiều mặt như, đẩy người vi phạm vào đường cùng, hoặc chống đối, hoặc lại thoả thuận với người xử phạt dẫn đến tiêu cực. Thực tế cho thấy, để bảo đảm xử lý hành chính có hiệu quả thì phải chú trọng công tác tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác; chẳng hạn đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt cảnh cáo nhưng áp dụng tốt biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.
Dự thảo lần này không quy định đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm là biện pháp xử lý hành chính và việc xử lý đối với đối tượng này thực hiện theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003. Đa số ý kiến Thường trực UBPLQH nhất trí quy định của dự thảo Luật và cho rằng, đối với người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhiều lần thì có thể bị xử lý theo các biện pháp khác.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị vẫn nên tiếp tục áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, bởi vì, trong điều kiện hiện nay ở nước ta chưa có biện pháp về kinh tế để tạo điều kiện công ăn, việc làm cho người bán dâm hoặc đối với người cố ý không chịu bỏ hoạt động mại dâm nếu không có biện pháp xử lý nghiêm sẽ kéo theo tệ nạn này phát triển. Tuy nhiên, cần cải tiến, nâng cấp cơ sở chữa bệnh; tạo chính sách việc làm ổn định cho người không có công ăn, việc làm sau khi hết thời gian áp dụng biện pháp này, giúp họ trở thành người lương thiện.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần xem xét trường hợp người bán dâm là nam giới để quy định biện pháp xử lý cụ thể trong dự Luật.
Ngọc Chung