Xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm: “Tôi ủng hộ công trình này!”
Ngày 8/10, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng – Nhạc và Vũ kịch với kinh phí 1.500 tỷ đồng. Địa điểm dự kiến được chọn là một khu đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2.
Trong phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đây là công trình được nhiều thế hệ lãnh đạo “ấp ủ” trong những năm qua và được người dân thành phố trông đợi.
Tại phần thảo luận trước đó, dù có những băn khoăn nhưng các đại biểu đã thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối. Khi được hỏi ý kiến bằng cách biểu quyết, 100% đại biểu có mặt đều giơ tay tán thành.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa. Ảnh:Quốc Anh |
“Tất nhiên Thủ Thiêm có vấn đề nhưng…”
Trao đổi với PV Infonet, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM cho biết, cách đây 10 năm ông đã tham gia xây dựng đề án các công trình văn hóa cho thành phố và từng đi tham quan ở các nước về những công trình này.
“Từ trước năm 2000, Thành ủy đã có quyết định xây nhưng vì khó khăn nên cứ lùi mãi. Đến thời điểm này đặt ra vấn đề xây dựng nhà hát thì không phải là mới nghĩ ra mà là đã quy hoạch từ lâu nhưng mà chưa làm được” – ông Hòa nói.
Ông cho rằng khi quyết định thông qua, có nghĩa là HĐND đã thảo luận kỹ và cân đối được ngân sách dành cho dự án. “Nếu không cân đối được ngân sách thì HĐND đã không thông qua” – ông nhận định.
“Công trình nhà hát là một công trình tầm cỡ và sẽ để lại dấu ấn trong giai đoạn phát triển của thành phố. Tôi nghĩ rằng chăm chút để xây dựng một nhà hát hiện nay thì tôi ủng hộ” – TS Hòa cho hay.
Đề cập đến vị trí xây dựng tại Thủ Thiêm – nơi đang diễn ra những khiếu kiện dai dẳng về đất đai, TS Hòa nêu quan điểm: “Tất nhiên Thủ Thiêm có vấn đề nhưng đó là ở những chỗ bị dân khiếu nại, còn đất dành cho nhà hát này có sẵn rồi, đã được quy hoạch rồi nên tôi nghĩ xây ở đó không sao”.
“Chúng ta không thể chỉ dành ngân sách đầu tư việc khác, còn văn hóa không làm. Tôi hiểu rằng thành phố có rất nhiều công trình phải đầu tư nhưng các thiết chế văn hóa cũng rất cần thiết nếu chúng ta cân đối được ngân sách” – TS Hòa tiếp tục.
Cũng theo ông dù kinh phí của dự án lên tới 1.500 tỷ nhưng sẽ được cân đối trong mấy năm chứ không phải “một cục, ào một cái là hết”. Ngoài ra, việc xây dựng cũng mất rất nhiều thời gian.
“Nếu chúng ta không xây thì lúc nào ngân sách thành phố cũng sẽ như thế, vì chúng ta biết rằng giao thông, y tế, giáo dục đều đang cần mấy chục ngàn tỷ. Chúng ta phải lo liệu sao vừa làm những cái khác, vừa làm những công trình để đời cho thành phố. Với quan điểm như thế, tôi ủng hộ công trình này!” – TS Hòa bày tỏ.
Trong khi đó, chia sẻ về công trình này với PV, một lãnh đạo thành phố cho biết, việc HĐND TP thông qua mới là chủ trương của dự án. Trên thực tế, thành phố còn phải thực hiện rất nhiều bước và có thể đến năm 2020 mới xong phần thủ tục. Vị lãnh đạo nhấn mạnh rằng việc đầu tư công trình này phải tính toán chi li, hợp lý.
Chưa giải quyết xong khiếu kiện, Thủ Thiêm tiếp tục "vướng" phải một dự án gây tranh cãi. |
Dự án Nhà hát giao hưởng đã có hơn 20 năm
Trong những ngày qua, việc thông qua dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch tại Thủ Thiêm tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng trên thực tế, dự án đã manh nha từ hơn 20 năm trước.
Theo đó, dự án được thành lập từ năm 1993, tuy nhiên phải đến năm 1999 dự án mới được cụ thể bằng việc dự tính xây dựng trên khu đất 23 Lê Duẩn (vốn là trụ sở công ty Xổ số kiến thiết thành phố, nay đã giải tỏa).
Tuy nhiên dự định này bị hoãn lại, khu đất sau đó được bán cho một doanh nghiệp với giá 1.400 tỷ đồng, còn vị trí xây dựng nhà hát được chuyển sang khu đất mới cũng tại trung tâm quận 1 – công viên 23/9 - vào năm 2012.
Lúc này dự án có số vốn lên tới 2.200 tỷ đồng trên diện tích 1,2ha với hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành. Dù vậy trong nhiều cuộc hội thảo sau đó, ý tưởng này tiếp tục bị phản đối. Dự án đình trệ từ đó cho đến cuộc họp HĐND TP vừa qua.
Ngay sau đó rất nhiều ý kiến trên các diễn đàn phải đối dự án này. Họ chỉ trích thành phố vì quyết định đầu tư một khoản tiền lớn cho công trình chưa thật sự cần thiết, và thành phố hiện nay đang đối mặt với áp lực lớn về cơ sở hạ tầng. Các ý kiến cũng cho rằng không nên xây dựng vào thời điểm này tại Thủ Thiêm – nơi vừa xảy ra những cuộc khiếu kiện “đầy nước mắt”.