Xây dựng nông thôn mới: Phải tạo ra giá trị mới, sinh kế mới
Hôm nay Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới |
2.045 xã đạt xã nông thôn mới
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Báo cáo kết quả giám sát tóm tắt “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới(giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” cho biết, đến tháng 9/2016 đã có 2.045 xã, chiếm 23%, đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011.
Tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015.
“Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị ngành trồng trọt tăng năm 2013 là 3%, năm 2014 là 3,2%, năm 2015 là 1,6%; năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao; thu nhập bình quân/ha đất trồng trọt năm 2014 đạt khoảng 78,7 triệu đồng, năm 2015 đạt 82,5 triệu đồng/ha” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Ngoài ra, nhờ tái cơ cấu, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, năm 2013-2014 tăng 6,57%/năm, năm 2015 tăng 7,9%/năm, vượt mục tiêu đề án đặt ra tăng là 5,5-6%/năm. Sản xuất muối đã có chuyển biến tích cực, sản lượng muối năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành để triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới còn chậm, thiếu đồng bộ, một số văn bản hướng dẫn đến nay vẫn chưa được ban hành. Một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành (nợ tiêu chí), hoặc không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Năm 2015 không đạt được mục tiêu đề ra là có 20% số xã đạt nông thôn mới.
“Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu, chưa bảo đảm theo quy định. Các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Vẫn còn 9 địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu trên địa bàn. Các địa phương chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Nhiều địa phương chạy theo thành tích
Sau khi nghe báo cáo giám sát, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chương trình này. Đại biểu tỉnh Bắc Giang kiến nghị, xã nào nợ đọng tiền xây dựng nông thôn mới không xem xét công nhận, đặc biệt khi xét công nhận nên lấy ý kiến của những xã xung quanh. Cần khắc phục bệnh thành tích, nôn nóng trong thực hiện vì đạt tiêu chí xác định xã nông thôn mới còn khó, giữ tiêu chí còn khó hơn.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) thẳng thắn cho rằng, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn hình thức nặng về thành tích. Có địa phương chọn các đơn vị dễ làm trước khó làm sau, có thực tế thị xã, thành phố về đích xã nông thôn mới hơn vùng sâu, vùng xa.
“Không thể có khuôn mẫu nông thôn mới cho tất cả các vùng nông thôn (làm sao vùng núi có đủ diện tích như quy định để xây chợ, sân chơi hay hệ thống điện đường, trường, trạm…). Đường hẹp chợ to, người dân vẫn thích ngồi bán ở chợ cóc nên chợ xây xong bỏ đấy. Tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát văn bản hướng dẫn xác định tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng phù hợp với vùng miền. Tránh huy động quá sức dân, ảnh hưởng đến đời sống người dân, không để nợ phát sinh”- đại biểu Trần Văn Mão nói.
ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) cũng cho biết thêm, tại địa phương có 123/209 xã thị trấn đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Từ thực tế đại biểu kiến nghị, trong xây dựng nông thôn mới mỗi xã cần chú ý không để nợ đọng trong xây dựng nông thôn, mỗi xã không để vượt quá nợ đọng.
“Công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cần sát hơn với thực tế. Bởi công nhận xã nông thôn mới là sự ghi nhận quyết tâm nỗ lực công sức của các cấp ủy đảng chính quyền và nhân dân nhưng kết quả đó thường xuyên biến động theo tình hình địa phương. Một xã hôm nay được công nhân là xã nông thôn mới không có nghiã rằng mãi mãi là nông thôn mới. Như thế là chưa chính xác. Tôi đề nghị việc xét công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới cần được thực hiện thường xuyên hàng năm, việc làm này cần được xem xét kể cả các xã năm trước được công nhận nông thôn mới” – ĐB Trương Anh Tuấn nói.
Đại biểu tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị xây dựng tiêu chí nông thôn mới cần có tiêu chí cứng và mềm (tùy theo điều kiện hoàn cảnh địa phương không nên để cả 19 tiêu chí ấy là tiêu chí cứng). Không chạy theo số lượng, nông thôn mới phải tạo ra giá trị mới, sinh kế mới, phát huy chủ thể nhân dân.
“Tái cơ cấu nông nghiệp phải đi bằng 2 chân (tích tụ ruộng đất, …) phá thế manh mún đầu tư, xây dựng liên kết nông dân với nông dân, nông dân với DN và tập trung vào KHCN, Nhà nước đầu tư tín dụng cho các cơ sở nghiên cứu khoa học tạo ra những loại giống chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu” – ĐB này nhấn mạnh.