Xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu dân cử
Chỉ có những người đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ tư cách, người trúng cử mới chính thức trở thành đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu nhân dân theo quy định của pháp luật. Ở các nhiệm kỳ QH, HĐND trước đây, việc xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu QH được QH tiến hành tại kỳ họp thứ nhất theo đề nghị của Ủy ban Ban thẩm tra tư cách người trúng cử đại biểu QH do QH thành lập. Việc xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu HĐND các cấp được HĐND tiến hành tại kỳ họp thứ nhất theo đề nghị của Ủy ban Ban thẩm tra tư cách người trúng cử đại biểu HĐND do HĐND thành lập.
Thực tế cho thấy, các thành viên của Ủy ban Ban thẩm tra tư cách đại biểu QH, đại biểu HĐND cũng là những người trúng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND. Vì vậy có ý kiến cho rằng, việc tiến hành xác nhận tư cách đại biểu QH, HĐND các cấp ở các nhiệm kỳ trước đây là chưa hợp lý, khoa học.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên trong việc thẩm tra và xác nhận tư cách đại biểu dân cử, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu QH cho Hội đồng Bầu cử quốc gia. Đây là một cơ quan đã được Hiến pháp năm 2013 quy định với vị trí vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức bầu cử đại biểu QH và chỉ đạo hướng dẫn bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Việc thẩm tra và xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu HĐND được giao cho Ủy ban bầu cử các cấp. Ủy ban bầu cử các cấp căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu HĐND, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người trúng cử đại biểu HĐND để tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu HĐND khóa mới cho người trúng cử và báo cáo HĐND khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu HĐND tại kỳ họp đầu tiên.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thẩm tra và xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu dân cử đòi hỏi các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ này cần phải thực hiện những công việc nghiệp vụ của mình để báo cáo QH, HĐND các cấp về các nội dung của công tác bầu cử, về người trúng cử... đơn cử như: các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử phải khẳng định với cử tri và nhân dân về những người trúng cử đại biểu dân cử đã thực hiện đúng các quy trình trong công tác bầu cử, từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được tổ chức dân chủ, đúng pháp luật, các bước lập và công bố danh sách cử tri và danh sách người ứng cử được tiến hành đúng quy trình và thời gian luật định, số dư người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đều bảo đảm theo quy định của pháp luật...
Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp, các tổ chức phụ trách bầu cử đã thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật về bầu cử. Những khiếu nại, tố cáo của công dân đối với người trúng cử đã được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết nghiêm túc, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và những người trúng cử đều bảo đảm tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân theo quy định của pháp luật...
Theo quy định hiện hành của pháp luật về bầu cử, chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách người trúng cử đại biểu QH, Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách người trúng cử đại biểu HĐND cấp mình. Sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp công bố người trúng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND mới phát sinh việc khiếu nại về kết quả bầu cử. Hội đồng Bầu cử quốc gia có 30 ngày để xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu QH kể từ ngày nhận được khiếu nại; Ủy ban bầu cử các cấp có 20 ngày để xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu HĐND kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Như vậy, thời điểm sớm nhất để Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp xác nhận tư cách người trúng cử phụ thuộc vào thời điểm công bố người trúng cử, phụ thuộc tính chất và nội dung khiếu nại về kết quả bầu cử, phụ thuộc vào việc xem xét, giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
Hội đồng Bầu cử quốc gia căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu QH, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người trúng cử đại biểu QH để tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu QH, cấp giấy chứng nhận đại biểu QH khóa mới cho người trúng cử và báo cáo QH khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu QH tại kỳ họp đầu tiên.
Việc xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội (QH), đại biểu HĐND các cấp có ý nghĩa rất quan trọng, vừa khẳng định việc tổ chức cuộc bầu cử đã được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, vừa khẳng định kết quả của cuộc bầu cử bầu được những người đại biểu ưu tú, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.