WEF ASEAN 2018: Biến bất đồng thành cơ hội hợp tác bền vững trong tương lai
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chứng kiến sự chia cắt mở rộng, vị trí địa chiến lược thay đổi cùng lực lượng công nghệ gia tăng, những thành tựu mà ASEAN gặt hái được trong những năm gần đây đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng. Để tồn tại, các nước thành viên ASEAN cần đưa ra những quyết sách về vai trò của riêng từng quốc gia trong các vấn đề liên quan tới khu vực. Nếu đưa ra được lựa chọn đúng đắn, ASEAN có thể biến những bất đồng, chia cắt thành cơ hội để vươn tới một tương lai ổn định.
Các quốc gia ASEAN cần củng cố sức mạnh đoàn kết để vượt qua những thay đổi lớn trong hệ thống cấu trúc thế giới. |
Trong 50 năm qua, ASEAN đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Từ một khu vực bất ổn, kém phát triển trong những năm thập niên 60, ASEAN giờ trở thành một trong những khu vực hòa bình ổn định, gặt hái nhiều thành tựu kinh tế lớn. Sự tín nhiệm trong ASEAN được chính mỗi quốc gia thành viên nỗ lực gây dựng. Những thay đổi lớn sau Thế chiến thứ Hai đã mang tới cho ASEAN cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài cùng hoạt động xuất khẩu gia tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện nay, thế giới đang ghi nhận những biến chuyển sâu sắc, hoạt động thương mại tự do và mở cửa lại đang bị hoài nghi, trong khi những sức mạnh địa chính trị mới xuất hiện dù ít hay nhiều cũng đã khiến nền kinh tế toàn cầu nghiêng về phía những thị trường mới nổi. Toàn bộ những yếu tố này tạo ra cơ hội cho những tầm nhìn mới và cạnh tranh về việc thế giới sẽ tổ chức và hoạt động ra sao.
Bên cạnh những bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, các quốc gia ASEAN còn đối mặt với Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những tiềm năng phát triển công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot hiện đại, y tế chính xác và thiết bị tự động đang dần ảnh hưởng tới nền kinh tế, kinh doanh và xã hội trong khối.
Thực tế, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ cảm nhận rõ được tác động từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tới cơ hội việc làm. Dân số lao động trong khối đang gia tăng 11.000 người mỗi ngày và sẽ duy trì tỷ lệ này trong 15 năm tới.
Sự mở rộng nhân khẩu học khiến nhiều công việc hiện thời sẽ bị thay thế bởi AI và tự động hóa thông minh. Do đó, hệ thống thuế thu nhập cũng sẽ bị gia tăng sức ép. Ngân sách quốc gia sẽ bị thay đổi lớn một khi các quốc gia thành viên ASEAN tăng tiền đầu tư vào việc tái đào tạo nguồn nhân lực cũng như phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thế hệ mới.
Liên quan tới hoạt động sản xuất trong tương lai, những công nghệ như in 3D và robot công nghiệp giá rẻ có thể cho ra đời những sản phẩm dạng làm theo yêu cầu của khách hàng với số lượng ít thay vì sản xuất đại trà như hiện nay. Đối với ASEAN, việc chuyển từ chuỗi cung ứng toàn cầu tập trung thành hệ thống sản xuất cục bộ có thể tác động lớn tới doanh thu xuất khẩu và các khoản đầu tư.
Để vượt qua được những thay đổi này, ASEAN cần củng cố cộng đồng vững mạnh. Về kinh tế, sự ổn định trong khu vực có thể được tăng cường nhờ xây dựng một thị trường duy nhất. Theo đó, ASEAN có tới 630 triệu dân và mức chi tiêu cũng đang gia tăng nhanh chóng. Nói cách khác, việc triển khai toàn diện Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính là chìa khóa. Với một thị trường khu vực mạnh, ASEAN có thể quyết định được vận mệnh kinh tế khu vực thay vì dựa vào nhu cầu từ những thị trường bên ngoài cũng như thích nghi tốt hơn trước chủ nghĩa bảo hộ ngày một gia tăng.
Việc xây dựng một thị trường dịch vụ riêng cũng đóng vai trò quan trọng. Nhất là trong thời đại diễn ra Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, những vấn đề liên quan tới việc hòa hợp các quy định về quản lý sử dụng dữ liệu cần được giải quyết nhanh chóng. Với sự ra đời của một thị trường kỹ thuật số, ASEAN có thể phát triển những dịch vụ đáng tin cậy trong khu vực như tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thương mại điện tử.
Dĩ nhiên, ASEAN không hẳn là xây một pháo đài để tách biệt với thế giới. Thay vào đó, các thành viên ASEAN cho xây dựng một “cơ chế vùng mở” để không chỉ theo đuổi hội nhập kinh tế giữa các nước trong khối mà còn mở rộng hợp tác với các nền kinh tế nằm ngoài ASEAN. Điều này được thể hiện trong chiến lược kinh tế ASEAN ngay từ những ngày đầu thành lập tới nay với sự ra đời của diễn đàn Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực mà thành viên là các nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ Australia và New Zealand.
Việc thúc đẩy một cộng đồng an ninh và kinh tế cũng vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh cấu trúc thống trị toàn cầu đang bị thách thức, các thành viên ASEAN cần có tiếng nói nếu như muốn thế giới hỗ trợ cho lợi ích quốc gia. Bởi các quốc gia Đông Nam Á đang giữ vị thế đứng thứ 10 thế giới về dân số và chiếm gần 5% GDP toàn cầu.
Trong quá khứ, ASEAN đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập các mối quan hệ khu vực tạo nên một “trung tâm ASEAN” ở châu Á. Vào năm 1993, ASEAN cho thành lập Diễn đàn Khu vực ASEAN mà tới nay có 27 thành viên nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại liên quan tới chính trị và an ninh. Vào năm 2005, ASEAN cũng đã cho thành lập Hội nghị Đông Á với 18 quốc gia thành viên tới nay.
Nhưng trong bối cảnh địa chính trị thay đổi, ASEAN đang đứng trước nguy cơ mất đi tiếng nói chung, tầm nhìn chung. Nhiều nhà quan sát cho rằng, một số quốc gia đang làm mất đi sự đồng lòng của ASEAN bằng cách thiết lập quan hệ độc lập với một số quốc gia khác trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và hỗ trợ. Nếu như ASEAN không giữ được tinh thần thống nhất, khối sẽ không thể có được tiếng nói chung, không thể hòa giải bất đồng và xây dựng quy tắc hành xử và phản ứng theo quy định quốc tế.
Do đó, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) được tổ chức tại thủ đô Hà Nội từ ngày 11 - 13/9 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0", sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo ASEAN tham gia bàn luận về những vấn đề từ cạnh tranh địa chính trị trong khu vực cho tới tinh thần doanh nghiệp và việc làm trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo trang web của Diễn đàn kinh tế thế giới (weforum.org), dự kiến khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước sẽ tới thủ đô Hà Nội tham dự hội nghị, bao gồm các nhà lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị tại Hà Nội gồm Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad, Cố vấn quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngoài ra, Hội nghị WEF ASEAN 2018 còn có 6 đồng Chủ tịch là: bà Anne-Birgitte Albrectsen - Giám đốc điều hành Plan International, Anh; bà Sri Mulyani Indrawati - Bộ trưởng Tài chính Indonesia; bà Kang Kyung-Wha - Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc; ông Nazir Razak - Chủ tịch CIMB Group Holdings, Malaysia; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam; và ông Kevin Sneader - Đối tác quản lý toàn cầu McKinsey & Company, Hong Kong, Trung Quốc.