Vụ trẻ tử vong do sặc cháo: Trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung
Sáng nay (25-8), sau 3 ngày nghỉ nghị án, bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố trả lại hồ sơ vụ án cháu bé TNH (12 tháng tuổi, trú tại Long Biên – Hà Nội) tử vong so sặc cháo.
Tòa cũng yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ một số vấn đề còn mâu thuẫn trong vụ án như: trách nhiệm của bị cáo Ngô Thị Hà Quyên và Đinh Thị Hồng cũng như đại diện phía nhà trường (bà Cao Khánh Ly – chủ trường và bà Dương Thị Trang – hiệu trưởng).
Trong lời khai, bà Trang và bà Ly khẳng định có phân công vai trò chính – phụ cho Quyên và Hồng (trong đó Quyên có bằng cấp nên đóng vai trò chính, Hồng không có chuyên môn nên đóng vai trò phụ), có thể hiện bằng văn bản, tuy nhiên trong hồ sơ vụ án lại không hề có; cần làm rõ cháo cho các bé ăn tại ngày 27-8 có được lưu giữ hay không, bởi trong hồ sơ chỉ có biên bản thu giữ đồ vật ngày 28-8, không có ngày 27-8; tất cả các cháu có độ tuổi khác nhau đều được cho ăn cùng một loại cháo, cần làm rõ có phù hợp hay không.
Các kết luận pháp y (KLPY) của Viện pháp y Quốc gia (Bộ Y tế) và Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) có nhiều điểm mâu thuẫn trong việc xác định nguyên nhân và thời điểm tử vong, cần điều tra làm rõ vấn đề này; việc bản KLPY Viện pháp y Quốc gia cũng như Hội động pháp y không sử dụng hình ảnh số 17 và 18 có ảnh hưởng gì hay không?
Ngoài ra, thời điểm tử vong có sự khác nhau giữa kết luận của Viện Khoa học Hình sự và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cần làm rõ một số chi tiết như: trên đường đi cấp cứu, cháu H có “trớ” ra áo bà Ly, nguyên nhân tại sao, thời điểm như thế nào,…
Bên cạnh đó, phải làm rõ việc sơ cứu của bà Ly khi xảy ra vụ việc đối với cháu Hương đã đúng phương pháp chưa, nếu không đúng, trách nhiệm sẽ ra sao?
Hai bị cáo Quyên (phải) và Hồng (trái) tại phiên tòa |
Trao đổi với Pháp luật TPHCM, ông Trần Xuân Bách (bố cháu bé) cho hay: “Tôi hoàn toàn nhất trí với quyết định này của Tòa. Quan điểm của gia đình là phải xử đúng người đúng tội, ngoài 2 bị cáo, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Trang và bà Ly, vì 2 người này trực tiếp chỉ đạo hoạt động của trường. Hàng loạt vấn đề như trường hoạt động trước thời gian cho phép thành lập, không có phòng y tế, cơ sở vật chất không đảm bảo. Chúng tôi gửi con cho trường chứ đâu gửi cho cô Quyên và cô Hồng”.
Trước đó, tại phiên tòa ngày 21-8, luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Thị Hà Quyên cũng đưa ra hàng loạt các căn cứ cho thấy vụ án còn nhiều điểm mâu thuẫn, yêu cầu Tòa trả lại hồ sơ, điều tra bổ sung.
Cụ thể, về vấn đề bị cáo Quyên đi vệ sinh trong 1 phút 48 giây mà không bàn giao cho người khác dẫn tới vi phạm quy tắc nghề nghiệp là không phù hợp. Cụ thể, Quyên và Hồng là hai cô giáo đang cùng làm nhiệm vụ chăm sóc 6 cháu nhỏ trong một lớp học, khi Quyên đi vào nhà vệ sinh thì Hồng đương nhiên vẫn đang làm nhiệm vụ, không cần phải bàn giao hay nhắc nhở. Việc bàn giao, hay nhắc nhở chỉ áp dụng trong trường hợp lớp học chỉ có 1 cô giáo đang làm nhiệm vụ, và cô giáo đó có nhu cầu đi ra ngoài.
Về vấn đề cháu H được đặt ngủ trên sàn nhà (sàn tầng hai, lát gỗ), nếu không hiểu được bản chất, có thể cho rằng các cô giáo đã vi phạm quy chế. Tuy nhiên, xét toàn diện, nguyên nhân của việc này xuất phát từ sự quan tâm giáo viên đối với bé. Bởi, hôm đó mới là ngày thứ 2 cháu Hương đến lớp, vì lo cháu chưa quen lớp, quen bạn, nên các cô giáo đã để cháu nằm cạnh mình để tiện chăm sóc.
Về vấn đề sử dụng bằng giả để xin việc của bị cáo Quyên, việc này mặc dù có sai, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Theo Tuyến Phan/Pháp luật TP.HCM