Vụ tòa nhà 70 Bạch Đằng: Nếu tháo dỡ thì phải lý giải trước công luận!
Như tin đã đưa, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng vừa chuyển trụ sở về địa chỉ mới ở số 12 Trần Phú và “nhường” trụ sở cũ ở số 70 Bạch Đằng, một tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ đã hơn 100 năm tuổi, để mở rộng trụ sở Thành ủy Đà Nẵng. Nên ứng xử với tòa nhà này như thế nào sau khi được chuyển cho Thành ủy Đà Nẵng đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An trả lời phỏng vấn Infonet (Ảnh: HC) |
Để tìm hiểu rõ thêm về tòa nhà và góp thêm tiếng nói trong việc ứng xử với một trong số các di tích kiến trúc cổ ít ỏi còn lại ở Đà Nẵng, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN, sau đó là Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh QN-ĐN (cũ) từ năm 1995. Năm 1997, khi chia tách tỉnh QN-ĐN, ông Nguyễn Đình An tiếp tục làm Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đến năm 2004 thì nghỉ hưu.
PV: Thưa ông, từng có thời gian dài gắn bó với tòa nhà 70 Bạch Đằng, xin ông cho biết đôi nét về lịch sử của tòa nhà này?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An: Theo chỗ tôi biết thì tòa nhà ở số 72 Bạch Đằng, tức trụ sở Thành ủy Đà Nẵng hiện nay, nguyên là một cái ngân hàng do người Pháp xây dựng. Còn tòa nhà 70 Bạch Đằng nằm ngay bên cạnh là tư dinh của ông Giám đốc ngân hàng đó. Hai tòa nhà này đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ. Sau khi chúng ta tiếp quản năm 1975 thì tòa tư dinh này trở thành trụ sở của Mặt trận cho đến nay.
Hồi tôi còn làm Chủ tịch Mặt trận TP thì có một đoàn làm phim của Pháp đến thăm và quay phim tòa nhà 70 Bạch Đằng, nghe nói là để làm một bộ phim về các công trình kiến trúc cổ của Pháp ở Đông Dương. Họ có kể với tôi, ông Giám đốc ngân hàng (như nêu trên) có thuật lại là ông có con nhỏ chơi vui ở sân vườn của cái tư dinh này.
PV: Thế đoàn quay phim của Pháp có nói gì nữa không, thưa ông?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An: Họ cũng bày tỏ mong muốn là chúng ta sẽ tiếp tục lưu giữ tòa nhà 70 Bạch Đằng, vì đây là một trong số ít ỏi những kiến trúc cổ của Pháp còn lại ở Đà Nẵng.
PV: Ông thấy như thế nào khi Ủy ban Mặt trận TP chuyển trụ sở về số 12 Trần Phú, dành tòa nhà 70 Bạch Đằng để mở rộng trụ sở của Thành ủy?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An: Khi nghe có chủ trương này thì tôi cũng có nói diện tích chỗ 70 Bạch Đằng cũng hẹp nên Mặt trận làm việc ở đó có phần hạn chế. Nhưng về mặt lịch sử thì ở đó cũng nặng tình, nặng nghĩa lắm. Cái kiến trúc đó thì chắc là mấy ổng vẫn giữ chứ không chủ trương chỉ lấy mặt bằng mà giải tỏa cái kiến trúc đó đi. Như thế thì cũng được thôi. Nhưng đứng về phía Mặt trận thì thấy cũng hơi lăn tăn vì đã ở đó hơn 40 năm, bao nhiêu là sự kiện, bao nhiêu là buồn vui.
PV: Có một câu hỏi đặt ra, suốt hơn 40 năm qua, Tỉnh ủy QN-ĐN rồi Thành ủy Đà Nẵng vẫn chỉ làm việc ở tòa nhà 72 Bạch Đằng. Bây giờ thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì lẽ ra ở đó thừa chỗ làm việc chứ sao lại phải lấy thêm tòa nhà 70 Bạch Đằng để mở rộng diện tích?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An: Cái này thì phải hỏi các vị lãnh đạo TP hiện nay. Họ mới biết thiếu đủ thế nào chứ tôi làm sao mà biết được. Theo suy luận thì có thể như anh nói, nhưng biết đâu ở trong đó những vấn đề gì, ví dụ như hiện nay họ đang gặp khó khăn gì mình đâu có biết được. Nên nếu cần thì nên hỏi họ để họ có sự giải thích rõ ràng hơn!
PV: Thưa ông, nếu có ý kiến cho rằng do đã hơn 100 năm tuổi nên tòa nhà này đã quá xuống cấp, cần phải giải tỏa để xây dựng mới thì ông thấy thế nào?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An: Cái này cần phải lấy ý kiến của các nhà chuyên môn. Nếu gia cố được thì tiếp tục giữ, tiếp tục sử dụng vì đây cũng là một kiến trúc góp phần làm nên bề dày và sự đặc sắc cho đô thị Đà Nẵng, còn nếu bất khả kháng thì phải chấp nhận tháo dỡ thôi. Nhưng nếu đặt vấn đề xóa tòa nhà này để xây dựng mới thì lãnh đạo TP cần lý giải trước công luận, để cho người dân thấy là không thể nào cứu vãn được nữa nên buộc lòng phải tháo dỡ.
PV: Thưa ông, đối với tòa nhà 70 Bạch Đằng, việc giữ lại, nâng cấp, sửa chữa để tiếp sử dụng hay tháo dỡ đi để xây dựng mới có cần đưa ra lấy ý kiến rộng rãi hay không?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An: Theo tôi, cái này chủ yếu là phải có ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các nhà chuyên môn. Về mặt bảo tồn di sản kiến trúc thì ai cũng có thể thống nhất được rồi, bây giờ chỉ còn vấn đề là đánh giá nó có còn gia cố được hay không thôi. Nghĩa là cần lấy ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức phản biện xã hội cả về vấn đề xây dựng, kiến trúc lẫn bảo tồn di sản.
PV: Xin cám ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi này!