Vụ sập giàn giáo: “Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng phải tự phê bình mình"
Xung quanh vụ sập đường sắt trên cao ở Hà Nội vào sáng 28/12 vừa qua, trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Cách đây hơn 1 tháng, cũng tại dự án đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh đã xảy ra sự cố rơi thanh sắt gây chết người nhưng các cơ quan quản lý xử lý chưa “nặng tay” nên chưa có tác dụng răn đe, mới lại tiếp tục xảy ra sự cố tiếp theo.
“Đáng lẽ phải xử mạnh tay từ những vụ việc trước để răn đe. Thậm chí, phải xử lý cả cấp trên, chẳng lẽ Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng không có trách nhiệm gì hay sao? Bộ Xây dựng cũng chỉ thấy tăng cường kiểm tra, còn không có xử lý gì. Bộ Giao thông với tư cách nắm một món tiền của Nhà nước, Bộ Xây dựng với tư cách quản lý Nhà nước cũng cần tự phê bình chính mình bên cạnh việc phạt các cấp dưới”, ông Liêm thẳng thắn.
Hiện trường vụ sập giàn giáo của công trường đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh xảy ra ngày 28/12. |
Theo nguyên Thứ trưởng, Bộ Xây dựng cần vào cuộc cùng với các đơn vị liên quan để tìm ra nguyên nhân. Sau đó phân ra trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát… trong đó trách nhiệm của chủ đầu tư với Nhà nước là hàng đầu. Cách chức chủ đầu tư là việc phải làm.
“Nhà thầu chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư, đền bù các thiệt hại về kinh tế, uy tín… rồi nhà thầu chính sẽ hỏi tội nhà thầu phụ. Bộ Giao thông vào cuộc là trị tội ngay thầu phụ là quyết định sớm quá, cần hỏi tội nhà thầu chính trước”, ông Liêm nêu quan điểm.
Ông Liêm cho rằng, Bộ Giao thông thực chất là chủ đầu tư, Bộ Giao thông vừa là cơ quan Nhà nước nhưng cũng là cấp trên của chủ đầu tư nên Bộ Giao thông phải giám sát chủ đầu tư với tư cách cấp trên, cấp dưới.
Còn Bộ Xây dựng mới là giám sát Nhà nước, phải kiểm tra xem công trình có thiết kế, thi công đầy đủ không, giàn giáo có thiết kế chịu lực ra sao, các ca làm việc như thế nào…. Còn trong lúc thi công thì chủ đầu tư và nhà thầu tự giám sát.
Ông Liêm tỏ ra đáng tiếc khi trước đây đã xảy ra sự cố ở cầu Cần Thơ rồi mà chúng ta vẫn chưa rút được bài học kinh nghiệm gì để tiếp tục lại xảy ra các sự cố của đường sắt trên cao.
“Lần này cần có những hình phạt tương xứng để có tác dụng răn đe cũng như rút ra bài học cho những người khác, những công trình khác nữa chứ không chỉ cho công trình dự án đường sắt trên cao này”, ông Liêm nói.
Chiều 29/12, website của Bộ Giao thông vận tải đã đăng tải thông tin, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Quyết định kỷ luật Giáng chức đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt xuống giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt kể từ ngày 10/01/2015 do có sai sót với trách nhiệm người đứng đầu Ban QLDA Đường sắt trong chỉ đạo, quản lý thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông để xảy ra sự cố nghiêm trọng sập đà giáo và bê tông trong khi thi công xà mũ trụ H7 của nhà ga Bến xe Hà Đông ngày 28/12/2014.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu thi hành Quyết định kỷ luật Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt và ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông do có sai sót trong chỉ đạo quản lý xây dựng Dự án đầu tư xây dựng Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông để xảy ra sự cố mất an toàn nghiêm trọng.