Vụ Phó Chủ tịch tỉnh đi xe Lexus: Cục CSGT đường bộ - đường sắt vào cuộc
Trao đổi với phóng viên Infonet chiều 13/6, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết: “Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra và đang kiểm tra quy trình cấp biển số chiếc xe này”.
Do đang trong quá trình kiểm tra cho nên vị đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cũng từ chối cung cấp thêm thông tin.
Thời gian qua, việc chiếc Lexus LX570 trị giá hơn 5 tỷ đồng, gắn biển xanh 95A-0699 đưa đón Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đã gây xôn xao dư luận.
Ông Thanh giải thích chiếc ôtô này mượn của người bạn, có biển kiểm soát 29A-79093. Một năm trước khi được phân công về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2011-2016, ông đã mang từ Hà Nội vào sử dụng.
Tuy nhiên, sau đó, ông Thanh nói chủ xe là Nguyễn Đặng Toàn, em bà con bên vợ. Khi biết anh rể vào miền Tây công tác, Toàn đã cho ông Thanh mượn xe đi lại nhằm tiết kiệm cho ngân sách tỉnh trong việc mua xe công phục vụ Phó Chủ tịch tỉnh. Đồng thời, chủ nhân xe Lexus LX570 cũng vào Hậu Giang làm tài xế cho ông Thanh.
Chiếc xe Lexus lắp biển xanh đưa đón Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. |
Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên VnExpress, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho rằng, đối chiếu các quy định pháp luật thì Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện được sử dụng ôtô biển xanh đưa đón.
Cụ thể, theo nghị định về chế độ tiền lương với cán bộ, công chức thì hệ số phụ cấp chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh là từ 1,20 trở xuống.
Trong khi đó, quyết định mới nhất của Thủ tướng quy định chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mới được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác. Mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/xe. Trong số 63 tỉnh thành, chỉ Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP.HCM được hưởng tiêu chuẩn này.
Theo luật sư Hậu, căn cứ quy định trên, cán bộ cấp Phó chủ tịch tỉnh chỉ được sử dụng ôtô phục vụ công tác chung tại cơ quan, không thuộc diện nhà nước phải chi ngân sách mua ôtô.
Cũng theo quyết định của Thủ tướng, các cơ quan ở địa phương, ví dụ văn phòng UBND tỉnh, chỉ được trang bị tối đa 2 ôtô phục vụ công tác chung. Cơ quan nào đã có 2 ôtô thì không vì có thêm lãnh đạo mới mà được mua thêm xe.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Infonet, ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa 11, 12 cho rằng, vụ việc này không phải là số xe biển trắng đổi thành biển xanh mà đằng sau nó là cả một loạt vấn đề thiếu minh bạch, làm cho dư luận băn khoăn.
Theo quy định của Bộ Công an, biển số xe có nền xanh chỉ được cấp cho xe thuộc sở hữu của Nhà nước.
Cụ thể, Khoản 6, Điều 31 Thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an ngày 4/4/2014 quy định về đăng ký xe, biển số xe có nền màu xanh chỉ được cấp cho xe thuộc sở hữu của Nhà nước.
Cụ thể như sau: “Biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe của các cơ quan của Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các Ban chỉ đạo Trung ương; Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập; Ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước”.