Vụ ô nhiễm tại nhà máy rác Phú Hà: Chính quyền huyện Kỳ Anh gặp gỡ người dân
Đông đảo người dân thôn Nam Xuân Sơn tham gia cuộc đối thoại. |
Bốn năm không có tết!
Khoảng hơn 9h sáng nay (12/2), việc gặp gỡ giữa chính quyền huyện Kỳ Anh với người dân thôn Nam Xuân Sơn được bắt đầu tại khu đất trống bên cạnh cổng nhà máy xử lý rác thải Phú Hà.
Người dân mang bàn ghế dựng rạp trước cổng nhà máy rác Phú Hà đòi quyền lợi. |
Đại diện cho người 40 hộ dân, ông Nguyễn Văn Sự mở đầu cuộc gặp gỡ bằng một loạt câu hỏi: “Bây giờ nhà máy đóng cửa hay là chúng tôi phải di dời? Khi nào thì chúng tôi được di dời đến nơi không còn ô nhiễm? Nếu nhà máy đóng cửa thì chúng tôi ở lại còn nhà máy không đóng cửa thì chúng tôi sẵn sàng nhường lại quyền định cư để cho nhà máy hoạt động....
Bởi vì từ 4 năm nay chúng tôi đã phải sống chung với nhà máy ô nhiễm này. Trước khi nhà máy được xây dựng chính quyền cũng không có một cuộc họp nào với người dân".
Ông Nguyễn Văn Sử mong muốn được di dời đên nơi ở mới càng sớm càng tốt |
Còn ông Nguyễn Tiến Phừng (trú thôn Nam Xuân Sơn) cho biết, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay, người dân trong thôn đã xuất hiện nhiều bệnh, nhất là các bệnh ngoài da và bệnh hô hấp...
"Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng, mong muốn được di dời ra khỏi vùng ô nhiễm càng sớm càng tốt, nhưng bốn năm trôi qua chúng tôi vẫn phải sống trong môi trường ô nhiễm.
Việc chặn cổng nhà máy là giải pháp cực chẳng đã, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh sớm có phương án nhằm giúp chúng tôi chấm dứt tình trạng sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề như hiện nay.
Yều cầu các cấp chính quyền cho chúng tôi một lời hứa chắc chắn là lúc nào được di dời khỏi khu vực nhà máy? Và cần phải có kế hoạch cụ thể trong trong thời gian ngắn nhất để chúng tôi sớm có cuộc sống ổn định", ông Phừng nói.
Tại buổi đối thoại, bà Lê Thị Thiện cũng bức xúc nói: "Chúng tôi không muốn đối thoại với cấp huyện nữa vì đã đối thoại, đề xuất nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Người dân mong muốn được nói trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy với Chủ tịch tỉnh để có lời hứa với dân chắc chắn nhất.
Đây là cái tết thứ 4, người dân thôn Nam Xuân Sơn sống cùng với sự hôi thối, ô nhiễm môi trường. Thậm chí đến bữa ăn cũng không yên vì hễ cứ dọn đồ ăn là bị ruồi nhặng bám hết cả vào. Chúng tôi không chịu nổi nữa, yêu cầu phải có một câu trả lời chính đáng từ các cấp lãnh đạo”.
Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh mong bà con chia sẻ với chính quyền trong thời gian qua |
“Ô nhiễm tại nhà máy là có thật!”
Thay mặt lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh, ông Bùi Quang Hoàn – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nói: "Trước hết, lãnh đạo huyện, xã hết sức chia sẻ với người dân trong thời gian vừa qua khi người dân vui tết đón xuân thì nạn ruồi muỗi, ô nhiễm môi trường xuất hiện. Chúng tôi có lập biên bản hiện trường trong nhà máy và ngoài nhà máy, trực tiếp đi kiểm tra tại nhà của các hộ dân và chúng tôi nhận thấy kiến nghị, đề xuất là hoàn toàn chính đáng và hợp lý.
Trước đó, chúng tôi đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng cho tất cả các hộ dân. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua do việc phun thuốc không đều nên ruồi phát sinh nhiều và bay vào nhà các hộ dân.
Thay mặt lãnh đạo huyện chúng tôi xin lỗi người dân về sự tắc trách của nhà máy rác Phú Hà và chia sẻ với bà con về sự vất vả, khó khăn của bà con".
Trả lời các câu hỏi của bà con đưa ra trong buổi gặp mặt này, ông Hoàn cho rằng, việc xây dựng và tồn tại nhà máy rác không chỉ riêng tại huyện Kỳ Anh mới có mà tại các địa phương khác trên toàn quốc đều tồn tại các nhà máy xử lý rác để đảm bảo môi trường sống cho người dân.
“Việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải là yếu tố tất yếu, tất nhiên khi xây dựng nhà máy để xử lý rác thải thì phải đảm bảo được môi trường sống cho người dân xung quanh. Thông thường khi đưa rác đến xử lý thì có một số tác động ảnh hưởng đến môi trường sống như người dân đã phản ánh”, ông Hoàn khẳng nói.
Về câu hỏi của bà con về việc di dời hay không và khi nào di dời, theo ông Hoàn, hiện chính quyền đã lên lộ trình làm khu tái định cư cho người dân.
"Hiện nay huyện đã có quyết định phê duyệt quy hoạch khu tái định cư tại Rọc Rõi (ngay trước cổng chợ xã Kỳ Tân). Dự án TĐC đã được UBND huyện phê duyệt tại quyết định số 429 về việc phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán công trình hạ tầng TĐC các hộ dân xung quanh nhà máy rác Phú Hà.
Về tiến độ xây dựng dự án TĐC, hiện nay đang GPMB và dự kiến trong tháng 3 sẽ xong GPBM và sau đó sẽ bàn giao cho công ty Phú Hà để xây dựng và theo như cam kết của công ty Phú Hà thì sẽ xây dựng trong vòng 4 đến 5 tháng và đến tháng 8 thì sẽ xong hạ tầng khu TĐC", ông Hoàn khẳng định.
Tuy nhiên, Chủ tịch huyện Kỳ Anh cũng chia sẻ thêm: Dự án “hỗ trợ bồi thường TĐC các hộ dân xung quanh nhà máy rác thải Phú Hà” hiện có 53 hộ gia đình và trong phạm vi 500m từ bờ vùng quy hoạch nhà máy trở ra thì chúng ta sẽ GPBM và di dời người dân đên khu ở mới.
“Đây là dự án nhóm C đặc biệt vì liên quan đến hơn 100 hộ dân phải di dời nên phải trình với HĐND tỉnh để thông qua phê duyệt, tổng mức đầu tư khoảng 119 tỉ đồng… ”, ông Hoàn cho biết.
Nói về việc chặn cổng nhà máy rác, ông Hoàn dẫn lời người dân thừa nhận về việc chặn cổng nhà máy rác là hình ảnh không đẹp. Tuy nhiên đấy là do bức xúc do ô nhiễm, do ruồi muỗi thì chúng ta cũng thông cảm cho bà con, đấy là việc dễ hiểu.
Kết thúc buổi đối thoại, ông Trần Đình Gia – Bí thư huyện ủy Kỳ Anh khẳng định với người dân: "Với tư cách là Bí thư Huyện ủy chứng kiến buổi đối thoại, tôi cam kết sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương và nhà máy thực hiện đúng những cam kết như đã hứa.
Đồng thời, những ý kiến của bà con sẽ được tôi chuyển tải lên lãnh đạo cấp tỉnh. Chiều hôm nay, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh sẽ về làm việc với nhà máy, lãnh đạo huyện và sẽ có đại diện của bà con tham gia để tìm ra được tiếng nói chung.
Trước đó, khi chưa có cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền đia phương thì bắt đầu từ sáng ngày 8/2, 40 hộ dân với gần 200 nhân khẩu ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã mang ruồi nhặng, bàn ghế chặn ngang cổng ra vào của Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Phú Hà suốt cả ngày lẫn đêm.