Vụ nước nhiễm dầu: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật “diễn 2 vai” liệu có khách quan?
Tại Tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề về pháp lý”, báo chí đã đặt câu hỏi tới các chuyên gia liên quan đến việc nhiều đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch cho Hà Nội hiện có ký hợp đồng dịch vụ giám sát vệ sinh chất lượng nước sạch (nội kiểm) với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội. Và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội mặc nhiên “diễn hai vai” vừa là người làm báo cáo cho doanh nghiệp cũng vừa là người có chức năng kiểm tra. Vậy, khi đơn vị quản lý nhà nước đứng ra làm dịch vụ nội kiểm cho doanh nghiệp thì kết quả có được khách quan và minh bạch không?
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề về pháp lý” sáng 23/10. |
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho biết, theo quy trình kiểm soát chất lượng nguồn nước thì cần phải qua rất nhiều bước. Kiểm soát đầu vào trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường. Thông qua các trung tâm quan trắc môi trường là phải kiểm tra, đảm bảo lượng nước đầu vào.
Cũng theo ông Hạ, việc lấy nguồn nước đầu vào phải đảm bảo chất lượng, đã quy hoạch cho lấy nước ở đâu thì phải sử dụng nước đó để sản xuất cấp nước cho người sử dụng. Vì vậy việc cấp nước phải thực hiện quy trình công nghệ để đảm bảo an toàn, chất lượng.
Đồng thời, sản phẩm đến tay người dân cơ quan phải chịu trách nhiệm không chỉ là cơ quan y tế mà ở đây là Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và phải đảm bảo chất lượng theo quy định QCVN- 2008.
Ngoại kiểm là quá trình kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, ở đây là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nội kiểm là bên trong nhà máy phải đảm bảo công nghệ, quá trình sản xuất nước. Như vậy nguyên tắc là các cơ sở sản xuất nước phải có đầy đủ các phương tiện, công cụ và thực hiện nội kiểm.
“Tất nhiên trong thực tế anh chưa có đủ điều kiện, chưa đủ năng lực thì anh còn phải thuê đơn vị đủ điều kiện, vì hiện nay chưa có quy định về chịu trách nhiệm ngoại kiểm của trung tâm y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi vì không có năng lực. Còn chuyện khách quan hay không là trách nhiệm và cái tâm của người ta, mình cũng không nói là không khách quan”, ông Hạ nói.
Nói đến an ninh nguồn nước là nói đến sự chặt chẽ giữa các địa phương, các bộ và các cấp chính quyền... |
Nói về an ninh nguồn nước, kỹ sư Trần Quang Hưng, chuyên gia ngành nước cho biết, an ninh nguồn nước là 2 vấn đề được gộp lại đó là: An ninh nguồn nước và an toàn cấp nước. Trong đó, an ninh nguồn nước là đảm bảo sự trong sạch, phân phối nước từ đầu nguồn. Đối với nước ta, phần lớn các con sông lớn đều bắt nguồn từ nước ngoài, chính bởi vậy việc đảm bảo nguồn nước như thế nào được trong sạch là trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của địa phương. Chính bởi vậy, việc nước sông Đà bị nhiễm dầu thải vừa qua thuộc về trách nhiệm của cả tỉnh Hòa Bình, chứ không riêng gì Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco).
Nói đến an ninh nguồn nước là nói đến sự chặt chẽ giữa các địa phương, các bộ và các cấp chính quyền. An toàn cấp nước đây là lĩnh vực của từng địa phương.
Sau này Chính phủ đã có chương trình quốc gia về cấp nước an toàn, liên tục có những văn bản thông tư về cấp nước an toàn. Vậy nên cấp nước an toàn là làm sao tổ chức được hệ kiểm soát chặt chẽ từ đầu nguồn đến người tiêu dùng, luôn luôn đảm bảo tính chất của nước sạch, phát hiện ra bất cứ các nguồn ô nhiễm và các biện pháp xử lý kịp thời.
Theo ông Hưng, Việt Nam đã làm rất tốt việc cấp nước an toàn cho các tỉnh như: Vũng Tàu, Bình Dương… nhưng riêng Hà Nội, cách thực hiện không được chặt chẽ như các địa phương khác.
“Đúng là Công ty Sông Đà vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân. Nạn nhân là nguồn nước của các anh bị người khác đổ trộm chất thải. Còn nguyên nhân là khi có chất độc hại Công ty xử lý rất vội vàng, thiếu thông minh, để cho nó xâm nhập cả một hệ thống mà vẫn không biết, vẫn bảo là nước sạch được đảm bảo. Chúng ta phải chỉnh lại toàn bộ công tác từ sản xuất nước và phân phối”, ông Hưng nói.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Dương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam, cho rằng: Bản chất về cấp nước an toàn đó là sơ đồ logic tính từ lưu vực các nguồn cấp nước cho tới các đường ống truyền tải, đến nhà máy xử lý nước cho tới đường ống truyền tải nước sạch cho khách hàng.
Vậy lý luận của cấp nước an toàn là sẽ tạo ra các rào chắn an toàn từ nguồn tới các nơi tiêu thụ và mỗi khi qua các rào chắn này thì nguy cơ nguy hại sẽ giảm dần đi cho tới khi người dân sử dụng là an toàn nhất. Cấp nước an toàn không phải là làm các biện pháp để xử lý các vấn đề đó. Vì vậy phải xem lại xem chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì.
“Cấp nước, quản lý nguồn nước ở Việt Nam hiện đang rất phức tạp bởi vì quản lý nguồn nước có rất nhiều cơ quan tham gia. Hôm trước có nhắc tới nguồn nước hồ Đầm Bài, trước đây nữa thì nhắc tới hồ Bà Đen ở Bà Rịa Vũng Tàu có những trại lợn được nuôi và xả chất thải ra môi trường vậy chúng ta làm sao có thể bảo vệ được nguồn nước. Do vậy, các cơ quan cần phải tham gia vào đây”, ông Dương nói.