Vụ logo xe vua: “Thả chó cản trở phóng viên” là vi phạm pháp luật
Để giúp độc giả hiểu hơn về vấn đề này qua góc nhìn pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng xung quanh vấn đề này.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình (Đoàn Luật sư Tp HCM). Là luật sư đã rất nhiệt tình tham gia cộng tác với Báo điện tử Infonet.
Thưa luật sư, mới đây, báo chí đưa về việc thả chó cản trở phóng viên tác nghiệp vụ bán logo “xe vua”. Nếu thống tin này đúng thì hành động của các nhân viên gara ô tô có coi là hành vi cản trở báo chí tác nghiệp hay không?
Luật Báo chí qui định và các văn bản hướng dẫn đã quy định Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và quyền hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan Nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.… không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động..
Căn cứ theo quy định trên thì những người trong gara thả chó ra cản trở phóng viên tác nghiệp theo tôi được là hành vi cản trở tác nghiệp của báo chí.
Nếu đó là hành vi cản trở sẽ bị xử lý thế nào, thưa luật sư?
Tại Khoản 3 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định: “Người nào vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí, phát hành, quảng cáo, họp báo, cản trở hoạt động báo chí, đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, làm hư hỏng phương tiện, tài liệu và các quy định khác của pháp luật về báo chí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Điều 7. Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;
b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;
c) Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.
(Trích Nghị định 159/2013/NĐ-CP về Xử lý vi phạm hành chinh trong lĩnh vực báo chí)
Nếu hành vi cố ý thả chó mà gây thương tích cho phóng viên, có bị xử lý hình sự không thưa luật sư?
Như tôi đã nói ở trên, tùy hậu quả mà có thể bị xử lý hành chính và hình sự. Căn cứ vào nghị định 159/2013/NĐ- CP thì chỉ cần uy hiếp, đe dọa tính mạng nhà báo có thể xử lý ở mức cao nhất. Còn trong trường hợp đã gây ra hậu quả thì tùy theo mức độ và hành vi, người có hành vi này có thể bị xử lý hình sự.
Những phóng viên trong vụ việc này cần làm gì để xử lý những người có hành vi cố ý kể trên?
Theo tôi các phóng viên, nhà báo cần trình báo, làm đơn đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương như Công an phường/xã, Công an quận/ huyện hoặc các cơ quan Nhà nước, tổ chức nghề ngiệp liên quan như Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam để được các cơ quan này bảo vệ giải quyết theo quy định.
Qua sự việc này, theo luật sư, có nên đưa hoạt động báo chí vào hoạt động công vụ để bảo vệ nhà báo không?
Hoạt động báo chí hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau. Có nhiều quan điểm cho rằng hoạt động tác nghiệp của báo chí là hoạt động công vụ nhưng cũng có quan điểm công vụ là việc công, giữa khái niệm và quan niệm xã hội chưa thống nhất. Có quan điểm cho rằng cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp, thậm chí hoạt động với nguồn tài chính hoàn toàn độc lập với ngân sách Nhà nước.
Vì vậy theo một số quan niệm xã hội, phóng viên không phải công chức. Mặc dù công việc của phóng viên mang tính chất là việc công, song do quan niệm chung của xã hội đã hình thành, tác động lên quá trình xử lý, nên những hành vi xâm phạm đến họ chỉ được xử lý giống như trường hợp thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều hành vi vi phạm đến hoạt động báo chí vẫn được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và xem như là hoạt động công vụ.
Theo tôi về mặt pháp lý, chỉ cần hướng dẫn thêm hoạt động báo chí là một loại hình hoạt động công vụ bằng một nghị định thì sẽ thuận tiện và tránh xung đột về quan điểm của hoạt động báo chí.
Luật sư vui lòng lý giải rõ hơn quan điểm của mình?
Luật pháp hiện nay không có tội danh riêng dành cho hành vi cản trở, xâm phạm thân thể phóng viên khi tác nghiệp hợp pháp. Trong Bộ luật Hình sự có hai điều liên quan đến cản trở hoạt động người có chức trách, xâm phạm thân thể con người thường được viện dẫn khi xảy ra vụ việc cản trở nhà báo (đến mức xử lý hình sự): Điều 104 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác) và Điều 257 (tội chống người thi hành công vụ)
Trên thực tế, các vụ cản trở hành hung phóng viên khi tác nghiệp bị xử lý hình sự rất hãn hữu. Trong hai năm 2010 và 2011 có hai vụ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhưng cơ sở khởi tố khác nhau. Trước hết là vụ phóng viên Trần Thế Dũng, báo Người Lao Động bị hành hung ở Lạng Sơn khi đang tác nghiệp phản ánh tình hình buôn lậu tại làng Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Cơ quan chức năng đã khởi tố theo Điều 104 Bộ Luật Hình sự. Tiếp theo là vụ hành hung phóng viên kênh VTC 14 thuộc Truyền hình Kỹ thuật số VTC và phóng viên báo An Ninh Thủ Đô trong khi cùng đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý những vi phạm về bảo vệ hành lang an toàn đường sắt thuộc địa phận huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vụ việc này được cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ theo Điều 257 Bộ Luật Hình sự, đối tượng hành hung bị bắt và xử lý theo tội danh này vì lý do: các phóng viên được đoàn liên ngành trưng tập đi thực thi công vụ.
Căn cứ vào những quy định pháp luật và thực tiễn. Tôi cho rằng tuỳ tính chất, mục đích của hoạt động tác nghiệp báo chí mà có thể cho rằng đó là hoat động tác nghiệp mang tính chất công vụ hay là hoạt động tác nghiệp mang tính chất thông thường. Cá nhân tôi cho rằng Chính phủ cần ban hanh nghị định hướng dẫn cụ thể những hoạt động nào của báo chí là hoạt động công vụ để thuận tiện trong việc xử lý về mặt vi phạm cũng như điều chỉnh trong tác nghiệp của báo chí.
Xin cảm ơn luật sư!