Vụ khu nhà 70 Bạch Đằng: Đà Nẵng giải thích lý do mở rộng trụ sở Thành ủy
Nhu cầu bức xúc
Chiều 18/8, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ báo chí trên địa bàn để cung cấp một số thông tin liên quan đến việc Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng chuyển trụ sở đến địa chỉ mới ở 12 Trần Phú và “nhường” khu nhà 70 Bạch Đằng được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ đã hơn 100 năm tuổi để mở rộng trụ sở Thành ủy Đà Nẵng.
Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí gặp gỡ báo chí chiều 18/8 (Ảnh: HC) |
Theo ông Võ Công Trí, do nhu cầu phát triển, hiện trụ sở Thành ủy Đà Nẵng không đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phục vụ hoạt động của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, nhất là việc phục vụ tổ chức các hội nghị Thành ủy, hội nghị cán bộ chủ chốt TP, các buổi tiếp đón và làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước... và đón tiếp các đoàn khách quốc tế.
“Trụ sở Thành ủy hiện rất chật chội, mật độ xây dựng lên tới 70 – 80%, diện tích còn lại cho giao thông và cảnh quan rất ít. Nhất là khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, do khuôn viên trụ sở chật hẹp nên xe ô tô đưa đón đại biểu ra vào, đậu đỗ không đảm bảo trật tự, an toàn giao thông khu vực. Có lúc người dân đã nhắn tin đến lãnh đạo TP góp ý, phê bình việc đậu đỗ xe đầy trên các tuyến đường chung quanh trụ sở Thành ủy, làm mất mỹ quan đô thị. Bên an ninh cũng than phiền đậu đỗ xe như vậy rất khó cho đảm bảo an ninh!” – ông Võ Công Trí nói.
Trước tình hình bức xúc đó, cuối năm 2015, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ trước đã đặt vấn đề mở rộng trụ sở Thành ủy. Tại cuộc họp ngày 26/11/2015, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư mở rộng trụ sở Thành ủy để xây dựng thêm 01 khối nhà bố trí một số phòng họp, phòng hội nghị, phân khu chức năng, bộ phận cơ yếu, mở rộng khu vực đậu đỗ xe... và giao cho Văn phòng Thành ủy báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy.
Tại cuộc họp ngày 27/11/2015, sau khi nghe Văn phòng Thành ủy báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương mở rộng trụ sở Thành ủy, giao Văn phòng Thành ủy phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất phương án cụ thể. “Nếu đặt vấn đề chuyển trụ sở Thành ủy đi nơi khác thì chắc là cũng ồn ào, mà không ai nghĩ đến chuyện như thế. Chỉ nghĩ đến mức làm thế nào để có đất mở rộng nên nghĩ đến chỗ trụ sở Ủy ban Mặt trận TP ở 70 Bạch Đằng là khu đất liền kề với trụ sở Thành ủy Đà Nẵng” – ông Võ Công Trí nói.
Tính phương án lợi cả đôi đường
Từ đó, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đã giao các cơ quan chức năng đánh giá lại giá trị về các mặt sử dụng, kiến trúc và lịch sử của khu nhà 70 Bạch Đằng xem có thể xóa bỏ được không? Sau khi kiểm định, đánh giá, Sở Xây dựng Đà Nẵng có công văn 4118/SXD-QLCL ngày 27/5/2016 cho hay, khối nhà A và B của tòa nhà này đã xuống cấp, chất lượng còn lại dưới 50%. Công trình đã sử dụng gần 100 năm, hết niên hạn sử dụng theo Thông tư 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Ngoài ra, theo Báo cáo khoa học “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của TP Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng” do PGS.TS.KTS Phạm Đình Việt làm chủ nhiệm đề tài (năm 2006) thì khu nhà 70 Bạch Đằng không nằm trong 16 công trình công cộng cần bảo tồn, vì không có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc. Bên cạnh đó, phía Pháp cũng có công văn gửi cho Đà Nẵng thông báo khu nhà này đã xây dựng trên 100 năm, không đảm bảo an toàn nên sử dụng thì phải hết sức chú ý vấn đề an toàn cho những người làm việc trong đó.
“Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TP nhiều lần có công văn đề nghị cấp kinh phí sửa chữa khu nhà này, nhưng sửa chữa chắp vá thì cũng chẳng đâu vào đâu nên tính đến việc di dời trụ sở Mặt trận TP đến nơi khác hợp lý hơn. Còn khu nhà 70 Bạch Đằng thì không thể sử dụng được nữa. Nếu muốn sử dụng phải bỏ ra khoản kinh phí lớn để cải tạo trong khi cơ quan có thẩm quyền đã xác định nó không có giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc. Làm như thế thì lãng phí, giữ lại cũng không phục vụ cho công năng hoạt động. Cho nên tính đến phương án để vừa mở rộng được trụ sở Thành ủy, vừa chuyển trụ sở Mặt trận TP đến vị trí mới phù hợp hơn, đẹp đẽ, khang trang hơn. Như thế là được cả đôi đường!” – ông Võ Công Trí nói.
Không phải vì bộ máy phình to
Trên cơ sở chủ trương của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TP đã tổ chức họp và có công văn 546/MTTQ-BTT ngày 30/12/2015 gửi Thường trực Thành ủy thống nhất chủ trương về việc sử dụng khu nhà 70 Bạch Đằng để mở rộng trụ sở làm việc của Thành ủy. Đồng thời để nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, bố trí trụ sở làm việc mới cho Ủy ban Mặt trận TP phải tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và vị thế của Ủy ban Mặt trận TP.
Qua xem xét, Thường trực Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng thống nhất chọn khu nhà, đất tại số 10 – 12 Trần Phú (Sở Tài chính cũ) để bố trí làm trụ sở mới của Ủy ban Mặt trận TP. Đây là tòa nhà có kiến trúc Pháp rất đẹp, nằm trên một trong những tuyến đường lớn và quan trọng của Đà Nẵng, nơi đặt Trung tâm Hành chính, trụ sở HĐND TP và Thành ủy. Đồng thời trụ sở mới rộng hơn nhiều, diện tích khuôn viên 2.612m2, diện tích sử dụng 4.352m2 (so với khu nhà 70 Bạch Đằng đã cũ có diện tích khuôn viên 1.856m2, diện tích sử dụng 1.048m2).
“Tôi khẳng định việc mở rộng trụ sở Thành ủy Đà Nẵng là vì những lý do như nêu trên chứ hoàn toàn không phải do bộ máy Văn phòng Thành ủy phình to ra. Văn phòng vẫn là Văn phòng chứ không có Văn phòng 2, Văn phòng 3; còn biên chế thì chắc chắn là chỉ chừng đó thôi chứ không tăng thêm. Nhưng trên phạm vi diện tích rộng hơn thì chắc chắn sẽ giải quyết được việc quá tải về lưu lượng người và xe ô tô vào những thời điểm như có hội nghị lớn, có nguyên thủ quốc gia về làm việc với TP.... Ngoài ra, việc tiếp nhận khu nhà 70 Bạch Đằng không phải để làm bãi đỗ xe cho Thành ủy như một số lời đồn đoán!” – ông Võ Công Trí nói.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho biết thêm, ngày 28/7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định số 5038/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng trụ sở Thành ủy Đà Nẵng. Đây là dự án nhóm C, công trình cấp 3. Theo đó, trên khu đất 70 Bạch Đằng sẽ xây dựng 01 khối nhà làm việc 3 tầng, còn tầng hầm sẽ bố trí các phòng kỹ thuật, phòng nghỉ của lái xe, bãi đỗ xe... “Có nghĩa bãi đỗ xe nằm ở tầng hầm chứ không phải trên mặt đất. Sở Xây dựng đã xem xét rất kỹ các chỉ tiêu, mật độ xây dựng khoảng 60%, trình UBND TP ra quyết định phê duyệt dự án!” – ông Vũ Quang Hùng nói.