Vụ khởi tố nhà báo Hoàng Khương: Cần xem xét lại tội danh "đưa hối lộ"
Vụ khởi tố nhà báo Hoàng Khương: Cần xem xét lại tội danh "đưa hối lộ"
>>Nhà báo Hoàng Khương bị đề nghị truy tố về tội "đưa hối lộ"
>>Băn khoăn kết luận điều tra vụ Hoàng Khương
Ngày 23/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đã đưa ra kết luận điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Khương (tức nhà báo Hoàng Khương) về tội danh “đưa hối lộ”.
Theo kết luận điều tra, cơ quan công an đã đề nghị truy tố nhà báo Hoàng Khương về tội “đưa hối lộ” với nhận định trong vụ án này, ông Khương đã “xuất phát từ lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí vì thông tin đơn thuần”.
Hoàng Khương (thứ hai từ trái sang) tại trụ sở Công an P.9, Q.Phú Nhuận. |
Với tư cách là người quản lý nội dung, lại biết rõ quá trình tác nghiệp của nhà báo Hoàng Khương, ông bình luận gì về nhận định này?
Khi tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ đã triển khai xây dựng tuyến bài “Chặn đứng thảm họa giao thông”, nhằm phản ánh thực trạng và tìm kiếm giải pháp hạn chế tình trạng tai nạn giao thông.
Để thực hiện tuyến bài này, tòa soạn đã phân giao cho nhiều phóng viên thực hiện, trong đó có phóng viên Hoàng Khương. Sau khi phát hiện vụ việc tiêu cực của cảnh sát giao thông (CSGT), phóng viên Hoàng Khương đã vào cuộc điều tra, tìm bằng chứng và phản ánh lên mặt báo. Đồng thời, việc thực hiện bài viết hoàn toàn nằm trong tuyến bài do tòa soạn phân công. Quá trình tác nghiệp của Hoàng Khương là thực hiện theo yêu cầu của Báo Tuổi Trẻ. Như vậy, với nhận định phóng viên Hoàng Khương làm việc này xuất phát từ lợi ích cá nhân là thiếu khách quan.
Trong bản kết luận điều tra vụ án, cơ quan công an đưa ra nhận định “sự vi phạm về đạo đức của một nhà báo như Hoàng Khương cần phải lên án, phê phán”. Thưa ông, qua nhiều năm làm việc với nhà báo Hoàng Khương, ông đánh giá như thế nào về nhận xét này?
Hoàng Khương là một phóng viên xông xáo, luôn dấn thân vào những đề tài điều tra nguy hiểm. Do có thâm niên trong nghề cùng nhiều nguồn tin riêng nên Hoàng Khương thường có nhiều đề tài lạ, và là phóng viên nòng cốt trong các tuyến bài điều tra.
Trước đây, khi có một số dư luận không tốt về đạo đức, lối sống của phóng viên Hoàng Khương, Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ đã lập tổ công tác để tìm hiểu và xác minh về vấn đề này. Tuy nhiên, sau 3 tháng xác minh, tổ công tác không hề phát hiện bằng chứng hay những vụ việc sai phạm nào có liên quan đến phóng viên Hoàng Khương.
Trở lại vụ án này, khi phát hiện ra có người quen của mình vi phạm giao thông, thay vì dung túng cho tiêu cực, Hoàng Khương đã chấp nhận để diễn tiến sự việc xảy ra, đồng thời theo dõi, phanh phui và phản ánh sự thật vụ việc trên mặt báo. Điều đó đã thể hiện trách nhiệm, đạo đức của một nhà báo đối với xã hội, chấp nhận rủi ro cho bản thân và người thân của mình.
Chỉ tiếc rằng phóng viên Hoàng Khương đã để xảy ra sai sót nghiệp vụ khi thâm nhập vào quá trình điều tra vụ CSGT nhận tiền chung chi, giải cứu xe đua trái phép, chứ không thể nói là vi phạm đạo đức nhà báo cần phải lên án như quy kết của cơ quan điều tra.
Vậy ông nghĩ gì về đề nghị truy tố nhà báo Hoàng Khương với tội danh “đưa hối lộ” của cơ quan điều tra?
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Hoàng Khương đã mắc phải sai sót nghiệp vụ khi tham gia vào quá trình chung chi. Tuy nhiên, mục đích của việc này chỉ nhằm tìm bằng chứng CSGT nhận tiền giải cứu xe đua, để hoàn thành bài viết và đăng báo, qua đó góp phần chống tiêu cực trong đội ngũ những người thi hành luật pháp.
Đồng thời, số tiền 15 triệu đồng được cho là “đưa hối lộ” cũng không phải của Hoàng Khương, và anh cũng không trực tiếp đưa tiền cho CSGT. Do đó, sai sót này chỉ đáng xử phạt hành chính, chứ chưa đến mức đề nghị xử lý hình sự như đã nêu.
Bên cạnh đó, phải nói thêm, từ chính những bài báo của Hoàng Khương, cơ quan công an đã điều tra ra vụ việc CSGT Huỳnh Minh Đức nhận hối lộ, từ đó góp phần làm trong sạch hơn đội ngũ CSGT. Vậy cơ quan công an cần phải xử lý các trường hợp tiêu cực đó, chứ không phải đi xử lý chính người chống tiêu cực (?!).
Với tư cách là cơ quan quản lý phóng viên Hoàng Khương, trong thời gian tới, Báo Tuổi Trẻ sẽ làm gì, thưa ông?
Trước tình cảnh gia đình anh Hoàng Khương đang gặp nhiều khó khăn, bản thân anh lại mắc bệnh nặng và không phải là đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, Báo Tuổi Trẻ cùng gia đình và luật sư Phan Trung Hoài – luật sư bào chữa cho nhà báo Hoàng Khương đã nhiều lần gửi kiến nghị xin tại ngoại lên cơ quan điều tra, nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết. Đến lần này, chúng tôi sẽ kiến nghị xem xét lại đề nghị này.
Đồng thời, Báo Tuổi Trẻ sẽ gửi văn bản đến cơ quan điều tra đề nghị xem xét lại tội danh “đưa hối lộ” mà cơ quan này đã đề nghị truy tố Hoàng Khương. Trong quá trình tố tụng, với tư cách là cơ quan quản lý của phóng viên Hoàng Khương, Báo Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin cần thiết và giải thích rõ quá trình tác nghiệp của Hoàng Khương nhằm giúp các cơ quan tố tụng xử lý vụ án này một cách có tình, có lý và thuyết phục được dư luận.
NGỌC KHÔI
(Thực hiện)