Vụ cô giáo bị buộc quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Công an huyện Bến Lức cần vào cuộc
Học sinh trường Tiểu học Bình Chánh tan học trưa 6/3. |
Theo bản tường trình gửi Phòng GD&ĐT huyện Bến Lức (Long An), cô giáo B.T.C.N lớp 4/3 trường Tiểu học Bình Chánh viết: “Trong tình trạng bản thân đứng trước sức ép lớn từ phía phụ huynh, đồng thời cũng thấy bản thân mình sai trước, tôi không nghĩ được gì khác, chỉ muốn mọi việc được giải quyết xong nên có suy nghĩ buông xuôi. Sau đó, nhìn đồng hồ gần đến giờ ra chơi nên tôi có hẹn phụ huynh 9h khi học sinh vào lớp tôi sẽ thực hiện”.
Theo cô giáo N., trong quá trình chờ đó thì Hiệu trưởng có nói với phụ huynh rằng giáo viên đã biết sai và cũng có ý quỳ thì coi như bỏ qua, nhưng phụ huynh (ông Võ Hoài Thuận) vẫn một mực không đồng ý. Khi đến 9h, tôi có chút nấn ná chờ mọi việc xem có dịu lại hay không, lúc này Hiệu trưởng nói với tôi rằng: Cô ở lại đây, tôi đi dự giờ.
“Cuối cùng trong phòng còn lại tôi và 3 phụ huynh (1 phụ huynh đã ra về), phụ huynh nam (tức ông Võ Hoài Thuận) nói đến giờ và đang chờ tôi làm. Ở tình huống không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt của bản thân muốn làm để mọi việc giải quyết xong nên tôi đã quỳ trong thời gian 40 phút”, cô N. kể lại sự việc trong bản tường trình.
Trong khi đó, trả lời báo Người Lao động, ông Võ Hoài Thuận phủ nhận thông tin trên. Ông Thuận khẳng định không ép cũng không đề nghị hay yêu cầu mà cô N. tự ý quỳ gối.
Chia sẻ quan điểm về việc giáo viên phạt quỳ gối học sinh lớp 4 vì không ngoan, phụ huynh ép cô giáo phải quỳ, luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng luật Giải Phóng cho rằng: Bạo lực học đường, trong đó có tình trạng giáo viên dùng biện pháp vũ lực hoặc có tính chất vũ lực để phạt học sinh bị nghiêm cấm. Việc cô giáo N. bắt cả lớp quỳ, kèm theo thái độ hay thời gian quỳ quá lâu khiến học sinh bị hoảng sợ, không dám đến lớp là không thể chấp nhận được.
"Tuy nhiên nếu đó là một hình thức phạt có động cơ trong sáng, ở mức độ vừa phải để các em nghe lời và nâng cao ý thức học tập và đạo đức thì không đáng lên án. Việc phụ huynh phản ứng bằng cách bắt cô giáo quỳ lại, như cách để thử cảm giác quỳ giống học sinh là điều bất nhẫn, không tôn trọng nghề giáo", luật sư Hưng bày tỏ.
Theo luật sư, giáo viên sai, phụ huynh có thể phản ứng, nhưng không thể theo cách “trả đũa” như vậy, hành xử này vi phạm đạo đức và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Phụ huynh có quyền bắt cô giáo quỳ không? Ai có thể xử lý việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ? Nhiều luật sư nói cần khởi tố tội làm nhục người khác đối với phụ huynh Võ Hoài Thuận, luật sư thấy có cơ sở không?
Trả lời các câu hỏi này, vị luật sư Hãng luật Giải Phóng cho hay: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền hành hạ người khác, kể cả người phụ thuộc mình, vì lẽ đó, không ai có quyền bắt cô giáo quỳ vì một lỗi nào đó.
Luật sư Hưng khẳng định: Nếu cô giáo có lỗi sẽ bị xử lý theo quy định của nội bộ nhà trường và pháp luật. Hành vi của vị phụ huynh như đã nói có dấu hiệu pháp luật về hành vi làm nhục người khác, tuy nhiên xét về hoàn cảnh, động cơ thấy chưa đến mức bị xử lý hình sự.
Được biết ông Thuận từng có thời gian tập sự luật sư tại một văn phòng luật sư tại huyện Bến Lức, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM. Ông Thuận cũng từng là cán bộ tư pháp của một xã thuộc huyện Bến Lức và là đảng viên sinh hoạt chi bộ ấp.
"Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".