Vụ chạy thận Hòa Bình: Luật sư đề nghị VKS xem lại chủ thể phạm tội
Tại phiên tòa xét xử vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa trong chạy thận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, chiều 24/1/2019, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (người bảo vệ quyền lợi của bị cáo Đỗ Anh Tuấn và Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn) đề nghị đại diện Viện Kiểm sát (VKS) tranh luận nội dung về chủ thể tội phạm theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
Luật sư Đinh Hương cho rằng VKS áp dụng Thông tư 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 (Thông tư 15) của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện việc xã hội hóa trong trang bị trang thiết bị y tế để quy kết ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn thực hiện “nhiệm vụ công” là “suy diễn”, và “không có cơ sở”.
Thông tư 15 hướng dẫn nghị định 43/CP/2006, trong khi Nghị định này đã bị thay thế bởi Nghị định 16/CP/2015. Theo Nghị định 16/CP/2015, đối tượng điều chỉnh là cơ quan nhà nước chứ không phải doanh nghiệp.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn. (Ảnh: BVPL) |
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285, là tội đầu tiên trong chương tội phạm về chức vụ quy định trong Bộ luật Hình sự 1999.
Chủ thể của nhóm tội trong chương này là chủ thể đặc biệt quy định tại Điều 277 Khoản 2 Bộ luật Hình sự 1999: "Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ".
“Như vậy, việc xác định trách nhiệm hoặc chuyển giao công vụ (nếu có) chỉ có thể thông qua Hợp đồng lao động (giữa ông Đỗ Anh Tuấn và Công ty Thiên Sơn – PV), không thể thông qua Hợp đồng kinh tế giữa hai pháp nhân”, luật sư Đinh Hương phân tích.
Theo quy định, “Công vụ” là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.
Khách thể của tội phạm theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999 là hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn, uy tín của cơ quan tổ chức. Theo luật sư Đinh Hương, cơ quan, tổ chức ở đây mang tính chất công, như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, chứ không phải cơ quan tổ chức tư nhân.
Trong khi đó, Công ty Thiên Sơn cho BVĐK tỉnh Hòa Bình thuê máy chạy thận bằng các Hợp đồng kinh tế (cụ thể là 05 Hợp đồng với tổng số 13 máy, đã thanh lý 03 HĐ còn 02 Hợp đồng và 05 máy chạy thận). Việc này đã được làm rõ tại phiên tòa này trong nhiều ngày qua. Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ công, Công ty Thiên Sơn thực hiện nhiệm vụ tư, mục đích kiếm lời từ việc cho thuê máy.
Các hợp đồng này ký kết giữa hai pháp nhân theo căn cứ vào quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Thương mại 2005 và Thông tư 15. Tại mục III - khoản 2 - điểm a của Thông tư số 15 nêu rõ: "Các đối tác tham gia liên doanh, liên kết, hợp tác lắp đặt thiết bị hoặc góp vốn liên doanh phải có tư cách pháp nhân, có đủ năng lực về tài chính..."
Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (giữa) và các luật sư tham gia phiên tòa. |
Với dẫn chứng trên, luật sư Đinh Hương cho rằng chủ thể tham gia hoạt động này phải là pháp nhân thông qua hợp đồng. Nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng chỉ có thể là pháp nhân không thể là cá nhân. Trong khi Đỗ Anh Tuấn là đại diện pháp nhân ký Hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình, chứ không ký với tư cách cá nhân.
“Việc cáo trạng cho rằng ông Đỗ Anh Tuấn thực hiện nhiệm vụ công hay công vụ thông qua một hợp đồng kinh tế là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Đỗ Anh Tuấn không phải là người có thẩm quyền hay thực hiện công vụ theo quy định tại khoản 2 điều 277 bộ luật hình sự 1999”, luật sư Đinh Hương nói.
Đối đáp với luật sư Đinh Hương, đại diện VKS cho rằng Công ty Thiên Sơn ký hợp đồng, suy ra thực hiện nhiệm vụ công cùng Bệnh viện. Bị cáo Tuấn đại diện ký hợp đồng nên thực hiện nhiệm vụ của Thiên Sơn giao, suy ra Tuấn thực hiện nhiệm vụ công vụ nên là chủ thể của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
Trước đó, tại phiên tòa chiều ngày 21/1/2019, bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình và đại diện Công ty Thiên Sơn đều khẳng định Thông tư 15 là căn cứ để BVĐK tỉnh Hòa Bình ký kết và thực hiện Hợp đồng thuê máy, Công ty Thiên Sơn là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, hoạt động và căn cứ theo Luật Thương mại, đúng như căn cứ Hợp đồng hai bên ký kết.
Ngày 25/5/2017, Bệnh viện ký hợp đồng sửa chữa hệ thống RO số 2 với Công ty Thiên Sơn (HĐ 315), hệ thống này độc lập với các máy chạy thận và để cung cấp nước cho các máy chạy thận.
Trong thời gian Công ty Thiên Sơn đang sửa chữa hệ thống RO2 theo Hợp đồng thì BVĐK tỉnh Hòa Bình đưa vào sử dụng hệ thống chưa xét nghiệm an toàn, chưa nghiệm thu bàn giao.
Trước đó, trong phần bào chữa vào chiều 21/1, luật sư Đinh Hương cho rằng với lập luận của Cơ quan tố tụng về việc Công ty Thiên Sơn là Chủ thể thực hiện nhiệm vụ Công tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, có thể thấy Thông tư 15 là “cái bẫy giết chết các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa”.
“Với lập luận như trên của Viện kiểm sát, vụ án này chính là lời cảnh báo về sự rủi ro cho các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa” ,luật sư Đinh Hương kết luận.
Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa. (Ảnh: BVPL) |
Trước đó, trong phần luận tội, VKS cho rằng hợp đồng đặt máy chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đã phát sinh trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn. Bị cáo Đỗ Anh Tuấn là người ký HĐ 315 về việc sửa chữa hệ thống RO số 2 nhưng đã không thực hiện cam kết trong HĐ, bỏ mặc Quốc tự sửa chữa hệ thống RO ngày 28/5/2017. Đỗ Anh Tuấn không triển khai nội dung HĐ 315 cho Bùi Mạnh Quốc biết để thực hiện, sau khi xảy ra sự cố mới ký HĐ số 05 với Công ty Trâm Anh.
Ngoài ra, theo VKS, Công ty Thiên Sơn đã cử người lên bệnh viện đếm số ca chạy thận, các chứng từ đều do bị cáo Tuấn ký duyệt, vì vậy bị cáo phải biết từ trước đến khi xảy ra sự cố bệnh viện chưa bao giờ phải dừng việc chạy thận để xét nghiệm nguồn nước. Do vậy, Đỗ Anh Tuấn nhận biết rõ mối nguy hiểm khi không thực hiện xét nghiệm nước, không nhắc nhở Quốc về việc phải xét nghiệm nguồn nước.
Đỗ Anh Tuấn hoàn toàn có quyền yêu cầu Quốc không bàn giao thiết bị khi chưa xét nghiệm chất lượng nước theo nội dung cam kết, nhưng đã không thực hiện việc này. VKS cho rằng việc truy cứu Đỗ Anh Tuấn tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người đúng tội.