Vụ cha tự vẫn, con bị “xử lý hình sự vì bắt trộm”: Có dấu hiệu oan sai?
Ngày 4/1, TAND tỉnh Bến Tre đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử và tuyên y án sơ thẩm 6 tháng cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Nguyễn Văn Trình (ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) về tội bắt giữ người trái pháp luật- bắt kẻ trộm đột nhập vào nhà mình.
Nội dung được tóm tắt như sau: Anh Nguyễn Văn Trình cùng cha là ông Nguyễn Văn Tập giữa khuya bắt quả tang một người trộm tiền trong tiệm tạp hóa nhà mình. Anh đã nhiều lần gọi báo cho trưởng ấp nhưng trưởng ấp không nghe máy. Do đêm khuya không có phà, ghe đưa tên trộm lên xã nên anh Trình trói người này lại.
Kết luận cơ quan điều tra thể hiện quá trình bắt trộm anh Trình có trói và đánh tên trộm vài cái, dùng dây vắt qua cây kéo tên trộm lên xuống vài cái để tra hỏi tên gì, con ai, ở đâu. Đến khi tên trộm khai rõ con ai thì anh Trình ngưng, không đánh nữa. Đến 4 giờ 40 sáng trưởng ấp mới nghe điện thoại và cùng công an ấp đến nhà anh giải quyết.
Sau khi anh Trình bị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật, cha anh cũng bị xem là đồng phạm, trong quá trình điều tra bố anh Trình đã treo cổ tự vẫn....
Câu chuyện này đã thu hút sự bàn luận của cộng đồng, trong đó có nhiều ý kiến bức xúc. Nhiều người cho rằng việc tuyên án như vậy sẽ “cổ súy cho ăn trộm” và làm cho người dân ngần ngại không dám… bắt trộm.
Anh Nguyễn Văn Trình (ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) người bị xử lý hình sự vì "bắt trộm" (Ảnh: Báo Pháp luật TpHCM) |
Để góp một cái nhìn về pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư Tp Hà Nội) về vấn đề này.
Thưa luật sư, đến hôm nay, cộng đồng và báo chí vẫn chưa thôi tranh cãi về vụ "bắt trộm bị xử lý hình sự". Quan điểm của ông về vụ việc này thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo thông tin mà báo chí đã nêu thì bố con anh Trình bắt được một tên trộm vào thời điểm nửa đêm. Khi bắt được trộm thì bố con anh Trình đã trói vào gốc cây để hỏi tên tuổi, cư trú của tên trộm. Sau đó gọi điện báo cho trưởng Ấp để giao nộp cho công an xử lý, sau đó bố con anh Trình bị khởi tố về tội bắt giữ, giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự, bố anh Trình đã tự tử sau khi bị khởi tố, còn anh Trình thì bị kết án về tội danh trên....
Qua thông tin sự việc nêu trên, có thể thấy việc kết tội anh Trình là chưa có căn cứ pháp luật, vụ án này có dấu hiệu oan sai.
Vì vậy, theo tôi, anh Trình hoàn toàn có quyền làm đơn khiếu nại bản án đã có hiệu lực pháp luật nêu trên để được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ls Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) |
Vậy cơ sở pháp lý nào khiến luật sư đưa ra quan điểm này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 1999 thì tội danh này là tội ghép, bao gồm nhiều hành vi như: Bắt người trái pháp luật, giữ người trái pháp luật và giam người trái pháp luật.
Điều 123 khoản 1 quy định về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Tuy nhiên, tại Điều 20, Hiến pháp năm 2013 lại quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định"
Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành cũng có một số điều luật quy định các trường hợp được phép bắt người như: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam (Điều 80); Bắt người trong trường hợp khẩn cấp "(Điều 81); Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã (Điều 82)...
Vậy là có dấu hiệu oan sai nếu truy tố bố con anh Trình về tội danh bắt giữ người trái pháp luật, đúng không luật sư?
Theo thông tin ở trên thì cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong vụ án trên đều thừa nhận hành vi của bố con anh Trình là bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang (trộm cắp tài sản)
Điều 82, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: "Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền; Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt."
Như vậy, việc bắt người của bố con anh Trình là phù hợp với quy định pháp luật nên hành vi này không bị xử lý, nếu xử lý về hành vi này là có dấu hiệu oan sai.
Vậy có vấn đề nào chưa được làm rõ khiến vụ án có dấu hiệu oan sai, như luật sư nói?
Luật sư Đặng Văn Cường: Cần làm rõ xem bố con anh Trình có hành vi "giam" hoặc "giữ" người trái pháp luật hay không, hành vi đó có thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không thì mới có thể xử lý được bố con anh Trình về tội theo Điều 123 Bộ luật hình sự.
Theo quy định pháp luật thì mọi công dân đều có quyền bắt, tước vũ khí của người phạm tội quả tang, giữ người phạm tội quả tang và giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự quy định sau khi bắt người phạm tội quả tang thì phải "giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất."
Tuy nhiên, bắt phải kèm theo "giữ", khống chế... trong đó trói lại, nhốt lại cũng là một hành vi "giữ" hợp pháp. Hành vi này nhằm mục đích để người phạm tội không chống trả, không bỏ trốn...
Nếu "giữ" người để hành hạ, để "tự xử" mà không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì hành vi này mới có thể cho là "giữ người trái pháp luật" và mới có thể bị xử theo Điều 123 BLHS.
Còn theo nội dung vụ việc trên, hành vi bắt người, giữ người và giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền diễn ra liên tục về mặt thời gian; mục đích để xử lý kẻ vi phạm...
Có khoảng thời gian từ khi bắt đến khi giao nộp cho trưởng ấp là do không liên lạc được luôn, trời tối, ban đêm, đi lại khó khăn... nên việc trói kẻ trộm lại là hành vi hoàn toàn hợp pháp và hợp lý.
Bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh của bố con anh Trình thì có lẽ cũng sẽ xử lý như vậy.
Nếu không trói lại thì kẻ trộm có thể chống trả, gây thương tích cho người bắt giữ hoặc bỏ chạy...
Thông thường hành vi giữ người trái pháp luật đi liền với hành vi bắt người trái pháp luật và mục đích là để tra tấn, hành hạ, tống tiền... thì hành vi đó mới nguy hiểm cho xã hội và mới có thể bị xử lý theo Điều 123 BLHS.
Còn bắt người phạm tội quả tang, giữ lại, giam lại để chờ cơ quan có thẩm quyền đến giải quyết thì hành vi này hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật ghi nhận tại Điều 20 Hiến pháp và Điều 82 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Vậy luật sư sẽ có khuyến cáo gì với người dân khi bắt trộm để không vướng vào vòng lao lý?
Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, nhiều trường hợp kẻ trộm tấn công lại chủ nhà gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe của người bắt trộm.... vì vậy, việc khống chế, bắt giữ, thậm chí có thể thực hiện các quyền phòng vệ chính đáng để chống trả lại các đối tượng manh động là hành vi pháp luật cho phép.
Khi phát hiện trường hợp kẻ trộm đột nhập thì mọi người đều có quyền bắt giữ, khống chế, tước vũ khí để giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền...
Tuy nhiên, nên thận trọng tránh trường hợp kẻ trộm tấn công lại gây thiệt hại tới người bắt trộm.
Nếu kẻ trộm tấn công lại thì được quyền chống trả lại một cách cần thiết theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự: "Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm."
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là sau khi bắt, giữ được kẻ gian thì phải tìm cách báo ngay cho công an hoặc UBND nơi gần nhất để xử lý, tránh trường hợp "tự xử" gây thương tích, tổn hại cho kẻ gian. Hành vi tự xử, hành hạ, cố ý gây thương tích cho kẻ gian mới là hành vi vi phạm pháp luật.
Cảm ơn luật sư!