Vụ Bio-Rad hối lộ ở Việt Nam: "2,2 triệu đô thì còn quá nhỏ"
Đại biểu Quốc hội,Phó Chủ nhiệmỦy bancác vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên (Ảnh: ND) |
Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp sáng 6/11 về vụ việc công ty y dược nước ngoài đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam.
Ông nhìn nhận đánh giá thế nào về việc Công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ đưa hối lộ ở Việt Nam 2,2 triệu USD trong nhiều năm để giành hợp đồng trong ngành y tế?
Về việc này, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị làm rõ rồi. Điều này cần phải xác định cho rõ vì thực tế năm ngoái Trung Quốc họ cũng phạt một công ty mấy trăm triệu đô la liên quan đến tội hối lộ. Do vậy cần phải làm rõ đó là hoạt động nào: thiết bị y tế, thuốc, hóa chất hay cái gì…
Trong 5 năm mà chỉ hối lộ 2,2 triệu đô thì còn quá nhỏ, khi thực tế hiện nay vấn đề chi hoa hồng cho những người bán thuốc, bác sĩ kê đơn thuốc khá phổ biến.
Nhưng làm thế nào để kiểm soát được việc này là vấn đề rất lớn. Ở các nước như Mỹ, họ kiểm soát ngay từ công ty, kiểm tra xem danh sách đã chi hoa hồng như thế nào, chi những ai, từ đó họ mới phạt ngược lại. Phía Việt Nam mình muốn kiểm soát lắm nhưng rất khó. Tôi hi vọng qua đợt này chúng ta sẽ tìm ra tiêu cực ở lĩnh vực cụ thể nào.
Theo ông khi điều tra, nếu phát hiện ra các sai phạm thì sẽ phải xử lý thế nào?
Phát hiện ra thì phải xử thôi, chỉ sợ không phát hiện được. Nhưng việc phát hiện hối lộ rất khó, vì có thể người ta tài trợ cho các bác sĩ đi dự hội thảo cũng cộng vào. Ví dụ một hãng nào đó tài trợ cho mấy trăm người đi dự hội thảo, mỗi ông mấy nghìn đô, cộng lại đã thành như thế rồi.
Vậy phát hiện và xử lý cái đó như thế nào? Rất khó đối với chúng ta. Nhưng tôi nghĩ việc họ công bố như thế cũng là một dịp tốt cho Việt Nam chúng ta tìm cách đưa giá thuốc và những giá thiết bị y tế về giá trị thực mà không bị chi phối bởi hoa hồng.
Chúng tôi cũng muốn Quốc hội ban hành Luật đấu thầu, trong đó mục riêng về đấu thầu thuốc cũng muốn kiểm soát chặt chẽ cái này. Vì cái này đã phổ biến ở nhiều nước, mà Trung Quốc là một ví dụ.
Với tình trạng đi tham quan như ông vừa đề cập, vậy trong luật tới đây có nên đưa ra quy định để kiểm soát việc này?
Cái này khó, vì DN làm việc ở lĩnh vực đó họ mời với danh nghĩa đi tham dự một hội nghị khoa học về lĩnh vực chuyên môn, đó là dịp tốt cho cán bộ nâng cao trình độ, còn vấn đề tài chính rất khó kiểm soát. Việc này chủ yếu vẫn là tính tự giác, y đức của bác sĩ và công tác quản lý cán bộ của chúng ta thôi.
Theo đánh giá của ông trường hợp hối lộ này là vụ duy nhất hay không chỉ có một?
Hiện có mấy chục công ty dược họ bán thuốc ở Việt Nam, mà tôi nghĩ là chỗ nào cũng có hoa hồng. Nhưng vấn đề là chúng ta làm thế nào để phát hiện ra, rất khó.
Có tình trạng khi ký hợp đồng thì tiền sẽ tự động chảy vào tài khoản cá nhân. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
Họ trả hoa hồng có nhiều cách lắm, tài trợ đi nước ngoài, rồi trả tiền trực tiếp chứ không chỉ mỗi trả tiền vào tài khoản.
Trong nước rất khó kiểm soát, họ có cơ chế trả hoa hồng tinh vi, khó phát hiện và điều này đã phổ biến ở nhiều nước, cũng rất khó phát hiện ra.
Vậy theo ông chúng ta phải có cơ chế nào để kiểm soát tài sản thu nhập cá nhân?
Chúng ta đã có Luật thuế thu nhập và chính sách kiểm soát kê khai tài sản, nhưng chúng ta lại rất khó bỏ văn hóa tiền mặt. Ở Nhật Bản họ nói thu nhập của các bác sĩ bệnh viện kiểm soát chặt, nên lương của họ cao hơn gấp 3 lần so với mức bình quân của xã hội.
Còn ở ta lương thế thôi nhưng thu nhập của các bác sĩ trong một số bệnh viện lớn rất cao. Ví dụ như trong khu nhà để xe ở BV Bạch Mai, Việt Đức nhiều ô tô cá nhân lắm.
Mặc dù nhà nước ta đang triển khai nhưng cũng rất khó kiểm soát thu nhập cá nhân. Chỉ sau này chúng ta kiểm soát được thu nhập qua tài khoản thì mới có thể chống được tham nhũng.
Xin cảm ơn ông!
Thông báo của Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ về vụ việc của Bio-Rad. (Ảnh chụp màn hình) |
Công ty Bio-Rad Laboratories Inc. bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và đã trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ tại ba quốc gia là Nga (4,6 triệu USD), Thái Lan (hơn 700 ngàn USD) và Việt Nam (2,2 triệu USD) trong giai đoạn 2005-2010 để giành hợp đồng.
Vào hôm thứ hai Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố rằng Bio-Rad, công ty có trụ sở tại Hercules, California đồng ý trả tiền phạt hình sự 14,35 triệu USD cho Bộ Tư pháp và 40,70 triệu USD cho SEC để tránh bị truy tố.
Tài liệu điều tra trong phần nói về Việt Nam cho biết “Bio-Rad có một văn phòng đại diện bán hàng ở Việt Nam từ ít nhất năm 2005 cho tới cuối 2009 và Giám đốc văn phòng Việt Nam giám sát và phê duyệt các hợp đồng có trị giá tới 100 ngàn USD và được thưởng tới 20.000 USD.