Vụ bảo mẫu đánh trẻ em: Chỉ biết kêu gọi lương tâm người trông trẻ?
Ngành giáo dục TP kêu gọi lương tâm của bảo mẫu đừng đánh trẻ |
Trao đổi với PV Infonet, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục Q.3 phẫn nộ: “Dù đã mấy ngày xảy ra sự việc trẻ mầm non bị bạo hành ở cơ sở Phương Anh nhưng mỗi lần nghĩ lại các đoạn quay clip đó tôi vẫn thấy kinh khủng quá, không thể chấp nhận được. Nhất là mặt của người cấp dưỡng khi hành hạ trẻ mà lạnh như băng, không có chút cảm xúc gì”.
Tuy nhiên, theo bà Nguyệt, đau đớn nhất vẫn là chuyện người đứng đầu cơ sở này được đào tạo bài bản, có bằng đại học hẳn hoi mà hành xử như những người vô học.
Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo đức của các bảo mẫu ngày càng xuống cấp là do họ đi làm vì nhu cầu cuộc sống chứ không phải vì yêu nghề. Đặc biệt là có nhiều người chưa có gia đình, chưa có con, rất khó để hiểu được cảm xúc của trẻ.
“Xử lý chủ nhóm trẻ gia đình vi phạm rất dễ nhưng những đứa trẻ bị bạo hành này thì đâu còn gì nữa đâu", bà Nguyệt bức xúc nói. "Vì thế ngoài việc tăng cường kiểm tra, chúng tôi chỉ biết kêu gọi lương tâm của những người được gọi là bảo mẫu, cô giáo thôi. Nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì tốt nhất đừng làm nữa”.
Cũng theo bà Nguyệt, hiện nay ngành giáo dục thành phố chỉ có thể quản lý được những trường mầm non và những nhóm trẻ gia đình có cấp phép, có tham gia cả nuôi và dạy trẻ. Còn những nhóm trẻ tự phát, chỉ có trông và nuôi trẻ thì không thể quản lý được. Do đó, theo bà Nguyệt, nên chuyển những nhóm trẻ tự phát này sang cho Sở LĐ-TB&XH TP.HCM quản lý vì Sở này có nắm mảng gia đình và trẻ em.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho hay, dù việc quản lý địa bàn đối với những điểm giữ trẻ được gia đình phân cấp về địa phương nhưng quan điểm của TP là không thể chấp nhận được cách hành xử thiếu đạo đức và phản sư phạm như vậy.
Trước mắt, Sở tham mưu để UBNDTP ra chỉ thị chấn chỉnh hoạt động và nâng cao chất lượng các nhà trẻ gia đình. Sở cũng đề nghị Q. Thủ Đức tổng rà soát lại những điểm giữ trẻ tự phát, nắm thật chắc danh sách những điểm chưa ổn, nơi nào không đủ chất lượng bắt buộc phải ngưng hoạt động ngay. Sau đó là tập huấn chuyên môn, kỹ năng nuôi dạy trẻ theo từng cụm.
Ông Sơn cho biết thêm, chỉ trong vòng 5 năm, số lượng các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình tại thành phố đã tăng chóng mặt. Hiện tại, thành phố có 870 trường mầm non được cấp phép, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008. Nhóm trẻ gia đình hiện nay là 1.248 lớp, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2008.
Tính đến tháng 9/2013 đến nay, 100% các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình đã được kiểm tra. Dự kiến, giữa tháng 12 năm nay đến giữa tháng 1/2014, Sở sẽ tiến hành tái kiểm tra lại những nhóm lớp, nhà trẻ có dấu hiệu vi phạm nếu không khắc phục sẽ cho ngưng hoạt động. Đây là quan điểm rất kiên quyết của ngành giáo dục thành phố.