Vụ bảo mẫu đánh chết bé 18 tháng: Phó Bí thư TP.HCM lên tiếng
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư TPHCM trao đổi với phóng viên sáng 19/11 (Ảnh Nguyễn Dũng) |
Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 19/11, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM trao đổi với PV Infonet trước vụ việc bảo mẫu đánh chết cháu bé 18 tháng tuổi.
Trên địa bàn TPHCM vừa xảy ra vụ việc một bảo mẫu đạp chết cháu bé 18 tháng tuổi. Bà đã nhận được thông tin này chưa và bà cảm thấy thế nào?
Tôi đã nhận được thông tin về vụ việc này. Hiện nay cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nên chưa thể nói được gì nhiều.
Điều đầu tiên có thể nói là trách nhiệm của mình trong việc chưa hoàn thiện cơ sở nuôi dạy trẻ cho con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sự việc bây giờ xảy ra mình mới biết như vậy, cũng không thể lường hết được hiện có bao nhiêu cơ sở như vậy.
Tình tiết nội dung xung quanh vụ việc này đã rõ. Người vi phạm bị xử lý là đương nhiên rồi nhưng vấn đề đau lòng nhất là một đứa trẻ mất đi không thể nào lấy lại được tính mạng cho đứa trẻ đó được. Đó là cái để cho những người lãnh đạo, quản lý cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác trông giữ trẻ ở các khu công nghiệp, trên cơ sở đó có sự chấn chỉnh kịp thời.
Giải pháp cốt lõi vẫn là phải có những cơ sở giữ trẻ ở các khu công nghiệp với đầy đủ các tiêu chí, điều kiện đảm bảo để người công nhân yên tâm khi gửi con cái họ vào đó. Xét cho cùng người công nhân đi làm cũng là để tạo ra của cải vật chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế cho xã hội.
Bảo mẫu tỏ ra ân hận sau khi gây ra cái chết cho cháu bé 18 tháng tuổi. (Ảnh: Infonet) |
Thành phố HCM đã đưa ra các giải pháp gì để chấn chỉnh cũng như đảm bảo có được những cơ sở trông giữ trẻ cho con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất?
Thành phố đã có chỉ đạo tất cả các khu chế xuất, khu công nghiệp phải có những nhà nuôi dạy trẻ cho con em công nhân. Vì công nhân phải đi làm theo ca, không có giờ hành chính nên các cơ sở trông giữ trẻ theo giờ hành chính thì công nhân không gửi con được.
Thành ủy đã có chỉ đạo về vấn đề này. Trong nghị quyết của thành ủy đã đặt ra vấn đề các cơ sở giữ trẻ ở thành phố, ở những khu vực đông công nhân lao động phải phối hợp để có những cơ sở giữ trẻ ngoài giờ. Các cơ sở đó có thể giữ trẻ sớm hơn, hoặc muộn hơn để công nhân gửi con được.
Việc này hiện nay đã được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Đúng là việc chỉ đạo chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Quá trình thực hiện cũng còn nhiều thiếu sót. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khi xây dựng có thể không đầy đủ các cơ sở nuôi dạy trẻ thì bây giờ phải khắc phục. Tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn nên họ chưa làm. Chúng tôi cũng chưa có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề này. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp lãnh đạo khi để xảy ra tình trạng đau lòng như thế.
Về công tác kiểm tra của các địa phương đối với những cơ sở giữ trẻ ngoài công lập, UBND TP. HCM đã có nhiều công văn để chỉ đạo. Trong thực tiễn rõ ràng còn rất lỏng lẻo trong kiểm tra giám sát với những cơ sở giữ trẻ, đặc biệt là việc giữ trẻ gia đình.
Thứ nữa, phải nói đến vấn đề đạo đức của người tham gia giữ trẻ. Khi đã nhận tiền và giữ trẻ, họ phải có đạo đức của người mẹ.
Nếu trong trường hợp nền kinh tế khó khăn cứ kéo dài như thế này thì đến bao giờ các chủ cơ sở khu chế xuất, khu công nghiệp mới xây dựng được cơ sở trông giữ trẻ phục vụ cho người lao động? Theo bà TP.HCM cần đưa ra những giải pháp gì để khắc phục thực trạng này?
Như tôi nói TPHCM đã đưa ra giải pháp nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Nghĩa là lãnh đạo thành phố cũng thấy trước được tình hình khó khăn như vậy chứ không phải ngay tức thì mà tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có được những nhà giữ trẻ ngay. Việc này cần phải có lộ trình để thực hiện.
Trước mắt thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giữ trẻ của thành phố phải có sự phối hợp và các chủ doanh nghiệp phải ký hợp đồng với các cơ sở giữ trẻ công lập để tăng giờ làm việc của cô giáo, trông giữ con cái cho công nhân.
Khi thành phố ra nghị quyết rồi nhưng lại không thực hiện, hoặc thực hiện không nghiêm thì sẽ phải xử lý như thế nào?
Không phải không thực hiện mà thực hiện chưa đến nơi đến chốn. Đối với những cơ sở không thực hiện thì phải xem xét hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ các trường học mẫu giáo của thành phố hiện cũng quá tải nhiều nên phải xét toàn diện để thấy đúng thực trạng.
Tuy nhiên trách nhiệm của lãnh đạo để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa. Nhưng đã có nghị quyết thì nó phải đi vào cuộc sống, nếu chưa được thì phải xem xét lại trách nhiệm. Mà trách nhiệm ở đây thuộc về các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền chứ không riêng ở cấp nào.
Đối với các quận, huyện có đông công nhân giờ phải tiến hành rà soát lại các cơ sở nuôi dạy trẻ tại các khu công nghiệp. HĐND TP đã rà soát, đã đi giám sát rồi và tất nhiên không thể chấm dứt ngay được tình trạng gửi con em họ cho các gia đình. Bởi đó là nhu cầu chính đáng của người ta.
Nhưng điều quan trọng vẫn phải là giáo dục đạo đức xã hội và kiểm tra các cơ sở trông giữ trẻ... cần phải kết hợp thực hiện nhiều biện pháp, chứ không phải bây giờ khi xảy ra vụ việc lại bấn loạn lên.
Xin cảm ơn bà!