Vụ án Nguyễn Thanh Chấn: Dư luận sẽ nghi ngờ vì sao bà Hà xuất hiện?
Dưới đây là nội dung bài viết chia sẻ của Luật sư Đặng Văn Cường gửi đến Báo điện tử Infonet.
Theo như thông tin mới đây thì ngày 23.7, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên án vụ giết người tại thôn Me (xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có liên quan tới án oan hơn 10 năm tù của ông Nguyễn Thanh Chấn. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lý Nguyễn Chung (27 tuổi, ngụ tại xã Eaka Mút, H.Eakar, tỉnh Đắk Lắk) mức án 12 năm tù về 2 tội giết người và cướp tài sản. Đáng chú ý, mặc dù bị cáo Chung nhận tội, nhưng tại phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX xác định vụ án còn nhiều tình tiết chưa làm rõ như đôi dép Chung khai nhận khi đi vào nhà chị Hoan gây án vẫn chưa được thu giữ. Bộ quần áo màu nâu mà bị cáo mặc khi gây án có dính máu cũng biến mất, hiện vẫn chưa tìm ra. Vết màu nâu dính trên cánh cửa phía sau của nhà bị hại cũng chưa xác định được. Vân tay in trên vỏ chai bia để lại hiện trường vẫn chưa làm rõ được. Con dao mà ông Chúc đưa cho con mang tới cơ quan điều tra không phải là hung khí gây án...
Cũng theo HĐXX, sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, tòa có nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, ngụ xã Song Mai, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang - nhân chứng mới vụ án). Tại phiên xét xử sơ thẩm, những tình tiết, căn cứ của bà Hà trình bày mâu thuẫn với một số nhân chứng, cũng như lời khai của bị cáo Chung về chiếc nhẫn. Do vậy HĐXX xét thấy cần kiến nghị cơ quan điều tra tiến hành điều tra xác minh mở rộng vụ án, tránh để oan sai, bỏ lọt tội phạm. Như vậy, có thể thấy kết quả vụ án chưa làm vụ án kết thúc khiến nhiều người trong cuộc bức xúc và dư luận không khỏi nghi ngờ. Nếu kết quả vụ án này dừng lại như nội dung mà bản án sơ thẩm vừa tuyên thì ông Chấn vẫn còn bị nghi ngờ là đồng phạm với Chung, nghi ngờ vào việc tiêu cực xã hội, nhiều người sẽ hoài nghi về công lý. Vì vậy, theo cá nhân tôi thì vụ án Lý Nguyễn Chung phải làm sáng tỏ tất cả các tình tiết, chứng cứ để xác định tội danh áp dụng với Lý Nguyễn Chung và phải xác định rõ là có đồng phạm khác hay không thì mới kết thúc được vụ án này. Có những vụ án có đồng phạm khác nhưng không thể xử lý được luôn mà phải tách rút tài liệu để điều tra, xử lý sau cho đảm bảo thời hạn tố tụng đối với các bị cáo đã có căn cứ rõ ràng xác định là đã thực hiện hành vi phạm tội.
Ngày trở về của ông Nguyễn Thanh Chấn (Ảnh Thể thao văn hóa) |
Tuy nhiên, trong vụ án này tòa án sơ thẩm lại tuyên mở rộng điều tra về những chứng cứ chưa được làm rõ là không hợp lý.
Điều 3, Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27 tháng 8 năm 2010 thì một trong các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung là: “Căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác
1. “Có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 179 của BLTTHS khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Viện kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can (bị cáo) đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;
b) Ngoài tội phạm đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can (bị cáo) về một hay nhiều tội khác;
c) Ngoài bị can (bị cáo) đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố bị can.”
Ngoài ra, Điều 1 của Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT cũng quy định: Nếu thiếu những chứng cứ quan trọng sau đây thì tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung: “a) Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đủ yếu tố của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính...);
b) Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào;
c) Chứng cứ để chứng minh “Ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó;
d) Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có lỗi hay không có lỗi; nếu có lỗi thì thuộc trường hợp lỗi cố ý (lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp) hoặc lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả) theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Bộ luật hình sự;”.
Trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm xác định có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nhưng vẫn tuyên án và tuyên về việc mở rộng điều tra để làm rõ một số tình tiết, chứng cứ quan trọng của vụ án là không phù hợp với quy định pháp luật nêu trên và khiến vụ án không được giải quyết triệt để, không đảm bảo mục đích, ý nghĩa của hình phạt và giảm tính răn đe, cũng có thể dẫn đến một vụ án oan hoặc bỏ lọt tội phạm.
Căn cứ vào quy định pháp luật kể trên, có thể nói vụ án có nhiều điều bất thường và bất ngờ. Từ việc Lý Nguyễn Chung nhận tội đến việc bà Hà đứng ra làm chứng để “phản pháo” lời nhận tội của Chung, đồng thời quy kết trách nhiệm cho ông Chấn. Bà Hà đưa ra 14 lập luận để “kết tội” ông Chấn trong vụ án trên và tố cáo những hành vi “tiêu cực” của ông Chấn. Người làm chứng hăng hái “buộc tội” ông Chấn như một “công tố viên” tại phiên tòa cũng là điều khá bất ngờ trong vụ án hình sự. Tôi không trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án này nên chưa thể có đánh giá chính xác đối với những căn cứ mà bà Hà đưa ra. Những luận điểm này cần làm rõ thông qua hồ sơ vụ án của ông Chấn và hồ sơ trong vụ án Lý Nguyễn Chung.
Tuy nhiên, qua thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có thể thấy hầu hết là những vấn đề mang tính chất suy luận, thiếu căn cứ, tuy nhiên cũng có những nội dung cần phải làm rõ để lý giải căn cứ kết tội đối với Chung và xác định rõ là có đồng phạm hay không. Ví dụ: Vết vân tay in trên vỏ chai bia xuất hiện trên hiện trường có thể là do người khác mang đến trước hoặc sau khi nạn nhân chết. Chai bia đó không tất yếu dẫn đến hành vi phạm tội. Nếu thấy nghi ngờ vân tay của ông Chấn thì cơ quan điều tra hoàn toàn có thể xác minh nội dung này. Còn vỏ chai bia nào chả có vân tay, quan trọng là căn cứ nào xác định hung thủ cứ phải uống bia vào mới thực hiện được hành vi phạm tội? Đối với vết máu trên hiện trường, trước tiên phải xác định có phải là máu của nạn nhân không? Nếu không phải máu của nạn nhân thì có giám định được máu đó la của ông Chấn hay của Chung. Cũng có thể vết máu đó là của người khác xảy ra trước hoặc sau khi án mạng. Vết máu đó cũng không phải là chứng cứ quan trọng quyết định người thực hiện hành vi phạm tội. Vụ án xảy ra quá lâu, việc tìm đôi dép, quần áo của hung thủ là không có tính khả thi.
Một điều cũng cần lưu ý là Chung thực hiện hành vi phạm tội khi rất ít tuổi nhưng là người lao động chân tay nên sức khỏe và tầm vóc sẽ hơn hẳn những “thư sinh trói gà không chặt” vì vậy hoàn toàn có thể thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, Chung không được học hành nhiều và cũng ít hiểu biết nên việc nhớ từng chi tiết, chứng cứ của một vụ việc đã diễn ra hàng chục năm, khi đang là trẻ con là không dễ dàng… Vì vậy, nếu kết tội Lý Nguyễn Chung về hành vi giết người thì Tòa án cần có những lập luận, lý giải một cách khách quan, khoa học với tất cả các “cáo buộc” của người làm chứng.
HĐXX hỏi bà Hà về người cung cấp bản tự thú của ông Chấn được đính kèm với đơn kiến nghị của bà Hà gửi TAND Bắc Giang. Bà Hà cho biết, đây là của một người phía bị hại cung cấp nhưng không nói tên người đó.
(Nguồn Tiền Phong)
Mặt khác, tình tiết HĐXX hỏi nguồn gốc bản sao lá đơn nhận tội của ông Chấn do bà Hà gửi đến tòa thể hiện sự thiếu khách quan của chứng cứ mà người làm chứng cung cấp khiến dư luận có thể nghi ngờ người làm chứng này một ai đó dựng lên để làm nhiễu loạn thông tin, lạc hướng dư luận? Dư luận sẽ nghi ngờ, nếu những điều cần làm rõ không được làm rõ. Cũng cần phải truy tìm căn nguyên và xác định xem có việc cố ý bịa chuyện gian dối hay không? Nếu cố tình bịa chuyện, khai báo gian dối thì người này sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, nếu theo kết luận của bản án sơ thẩm thì chưa giải quyết triệt để vụ án này, tòa án chưa phán quyết đúng sai đối với những nghi ngờ mà người làm chứng đưa ra, chưa xác định được người làm chứng có gian dối hay không. Việc này, có lẽ sẽ là trách nhiệm của tòa án cấp phúc thẩm. Những vấn đề mà người làm chứng nêu ra thì tòa án phải làm rõ để giải quyết vụ án cho triệt để chứ không thể phán quyết nửa chừng như vậy.