Vô lý 100m2 đất thu hồi không mua nổi 1m2 dự án
Những bất cập “vô lý” trong việc đền bù được đại biểu trong ban TVQH nêu ra tại buổi làm việc về dự thảo sửa đổi Luật đất đai diễn ra vào sáng nay 17/4. Nhiều ý kiến đề nghị cần chỉnh sửa để Luật đất đai chặt chẽ hơn, chưa thông qua vội tại kỳ họp Quốc hội tới và nên thông qua cùng thời điểm, hoặc sau dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo cũng như dự thảo Luật đất đai, tuy nhiên nhiều ý kiến trong TVQH cũng phản ánh nhiều điểm chưa chặt chẽ, cần chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi trình và để Quốc hội thông qua.
Những bất cập trong việc thực hiện chính sách thu hồi đất cần được khắc phục trong Luật đất đai sửa đổi |
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho rằng, luật quy định cần phải chặt chẽ hơn nữa. Ông đề nghị kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới cần “cho ý kiến một lần nữa”, và “chưa nên thông qua” tại kỳ họp này. Theo ông Lý, Luật đất đai sửa đổi chỉ nên thông qua khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua, để tránh bị chỉnh sửa nhiều lần.
Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng đề cập và nêu ý kiến nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo cần làm rõ. Chẳng hạn việc giao đất, cho thuê đất, quyền sử dụng đất… Ông Lưu đề nghị loại đất mà trước đây vẫn giao cho các các đơn vị sự nghiệp sử dụng không mang lại hiểu quả, bây giờ nên “chuyển sang hình thức cho thuê đất”. Theo phương án này, Phó Chủ tịch cho rằng “mới đề cao trách nhiệm cho họ”.
Hay đối với quy định thời điểm, giá thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế xã hội, theo ông Lưu nên thực hiện theo phương án bồi thường tại thời điểm kết thúc thu hồi. Ngoài ra cũng nên áp dụng một giá đối với loại đất cùng mục đích. Chẳng hạn trên cùng một dải đất, kể cả trong trường hợp chủ đầu tư thu hồi phục vụ các mục đích khác nhau cũng phải bồi thường một giá chứ không thể đưa ra các mức giá khác nhau.
Đề cập đến yếu tố pháp lý, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu, hiện có tới 70% số vụ khiếu nại liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất. Hầu hết các tranh chấp liên quan đến giao dịch viết tay với nhau mà không có công chứng chứng thực. Bởi vậy ông đề nghị cần quy định phải có chứng thực đối với các giao dịch mua bán nhà đất.
“Chúng tôi quan niệm đất và tài sản gắn liền với đất là cái có giá trị lớn, gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân. Công chứng chứng thực có ý nghĩa lớn. Người chứng thực căn cứ xem có trái pháp luật không, mặt khác khi chứng thực sẽ có sức nặng hơn, dễ giải quyết hơn khi tranh chấp xảy ra. Quy định theo phương án 2 (không chứng thực) là xa rời thực tế, gây bức xúc, tăng khiếu kiện”.
Cũng theo ông Hiện, giá đất bồi thường là vấn đề lớn và phức tạp, hay xảy ra tình trạng “không thỏa đáng”. Đối với đất nông nghiệp ở đồng bằng còn đỡ, nhưng mức giá bồi thường đất nông nghiệp ở trung du miền núi theo ông Hiện là “rẻ như bèo”.
Ông đề nghị phải sửa đổi như thế nào đó, để ngoài vấn đề giá đất còn phải tính đến lợi ích của người bị thu hồi, thậm chí cả lợi ích của nhà đầu tư. “Bị thu hồi 100 m2 mà không mua nổi 1m2 ở dự án đó thì thật vô lý. Cần tính đến lợi ích của nhân dân góp đất, như vậy người ta mới xung phong giao đất. Đền bù giá rẻ như bèo thì người ta không chịu. Không giải quyết được điều này thì mong muốn của nhân dân khó giải quyết được” – ông Hiện nói.
Cho rằng vấn đề đất đai chưa giải quyết được thấu đáo, theo Chủ nhiệm UB Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển, từ năm 1993 đến nay đã xảy ra mâu thuẫn giữa quyền của người sử dụng đất với quyền của nhà nước. Vấn đề này nếu không được giải quyết sẽ gây bức xúc trong nhân dân.
Ông đề nghị phía Chính phủ làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất gắn với những vấn đề liên quan đến tài chính. Theo ông “Nếu cứ đánh đồng sẽ rất khó, gây lộn xộn, không minh bạch, không giải quyết được những vấn đề đặt ra hiện nay”. Bên cạnh đó cũng cần kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ. Đặc biệt ông cũng đề nghị nên quy định dự án có diện tích từ bao nhiêu trở lên thì phải “thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Liên quan đến người có đất bị thu hồi, ông Hiển cho biết việc hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp là chủ trương đúng đắn. Nhưng cái cốt lõi ở đây là hỗ trợ thế nào? Vì giữa chủ trương với thực tiễn đang có khoảng cách. Nhiều trường nghề mở ra, nhưng người dân không vào, và không giải quyết được vấn đề lao động. Thứ hai là quy định ưu tiên sử dụng lao động bị thu hồi đất. Quy định như thế nhưng khó ở chỗ doanh nghiệp đưa ra tiêu chí tuyển lao động chứ không phải nhà nước. Vì thế cần phải cụ thể hóa hơn nữa nội dung này.
Đánh giá sự phối hợp tốt, tính khả thi cũng tốt hơn, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý ban soạn thảo cần phải làm rõ hơn nữa. Chẳng hạn quy định xung quanh việc thu hồi đất phục vụ lợi ích quốc phòng, an ninh, mục đích công cộng, hay mục đích phát triển kinh tế xã hội…chưa thực sự rõ ràng. Hay trường hợp Nhà nước không thu hồi, không trưng thu, trưng mua thì phải giải quyết thế nào, có trở lại thỏa thuận không?
“Đất đai là tài nguyên quý giá không thể tái tạo nhưng lại tồn tại muôn đời, cho mai sau. Vì thế cần rất chú ý và coi trọng” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.