Việt - Trung: có thể hóa giải 'thông tin trái ngược'
Năm 2014 đánh dấu 60 năm công tác đối ngoại nhân dân. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên với Tuần Việt Nam, ông Vũ Xuân Hồng Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam đã mổ xẻ mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Phần tiếp theo dưới đây ghi nhận chia sẻ của ông Vũ Xuân Hồng về vai trò của đối ngoại nhân dân trong quan hệ Việt - Trung..
Không nên dấy lên điều gì dẫn tới xung đột
Thưa ông, quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ hết nhạy cảm, đặc biệt trong những năm gần đây, khi vấn đề Biển Đông diễn biến phức tạp. Trong mối quan hệ với láng giềng gần này, ngoại giao nhân dân đóng vai trò thế nào?
-Trong quan hệ với Trung Quốc, nói một cách tổng thể về công tác đối ngoại nhân dân, cả phía Trung Quốc và Việt Nam, lãnh đạo đến nhân dân từ trước đến nay đều ý thức một cách rõ ràng về tình hữu nghị, truyền thống và sự hợp tác, sự gắn kết giữa hai dân tộc cả về lịch sử và địa lý. Đó là một tài sản lớn cho hai đất nước. Chúng ta cũng không quên sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: VGP |
Nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô và nhân loại tiến bộ, chúng ta sẽ rất khó khăn trong việc chống lại kẻ thù xâm lược.
Hai nước láng giềng dù có nhiều lúc thăng trầm, nhưng nếu nhìn toàn cục hai nước đã làm được nhiều việc: biên giới đã được cắm mốc, vịnh Bắc Bộ đã phân chia xong. Đó là những bài học quý cho cả hai.
Vấn đề chủ quyền biển đảo bây giờ là thiêng liêng, phải được đặt ở góc độ nào đó đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hai nước: dứt khoát là hòa bình. Không có người dân nào muốn chiến tranh. Mọi hành xử của chúng ta phải làm thế nào để không dẫn đến xung đột, phải tìm giải pháp hòa bình. Chính vì đó là vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm, nên càng cần sự kiên trì, kiềm chế và những ứng xử phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước và luật pháp quốc tế.
Trong công tác đối ngoại với Trung Quốc, chúng tôi có diễn đàn nhân dân Việt - Trung. Mỗi kỳ 6 tháng đến 1 năm, chúng tôi gặp nhau, mỗi bên 8 người ngồi với nhau, cùng nói lại những câu chuyện, những vấn đề đã và đang diễn ra giữa hai bên, làm thế nào để quan hệ không bị lệch lạc. Chúng tôi tranh luận: việc này chưa đúng, việc kia có thể sai, các đồng chí làm việc này khiến chúng tôi đau lòng...
Trong công tác đối ngoại với Trung Quốc, chúng tôi có diễn đàn nhân dân Việt - Trung. Mỗi kỳ 6 tháng đến 1 năm, chúng tôi gặp nhau, mỗi bên 8 người ngồi với nhau, cùng nói lại những câu chuyện, những vấn đề đã và đang diễn ra giữa hai bên, làm thế nào để quan hệ không bị lệch lạc. Chúng tôi tranh luận: việc này chưa đúng, việc kia có thể sai, các đồng chí làm việc này khiến chúng tôi đau lòng... |
Mục đích cuối cùng là hai bên hiểu nhau hơn. Tôi vẫn cho rằng hai bên vẫn chưa thực sự hiểu hết nhau, vẫn còn nhiều điều chưa thể hiện được sự tin cậy. Chúng tôi cố gắng xóa khoảng cách đó. Nhân dân Việt Nam thực sự muốn xây dựng quan hệ anh em đồng chí, láng giềng '4 tốt' với nhân dân Trung Quốc. Chúng ta đâu có nguyện vọng nào hơn?
Việc thứ hai, nhân dân mong muốn lãnh đạo của hai bên đừng để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến đại cục quan hệ của hai nước. Biển Đông là một trong những câu chuyện nhạy cảm, phức tạp; nhưng đừng để ảnh hưởng đến đại cục. Chúng ta còn có bao nhiêu lĩnh vực cần cùng nhau phát triển: kinh tế, xã hội, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển...
Chúng ta vẫn còn đó bao công trình lớn của Trung Quốc xây dựng trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa: nhà máy thép Thái Nguyên, sợi Nam Định, phân đạm Hà Bắc.. các công ty Trung Quốc vào Việt Nam làm ăn. Biên giới mở cửa để hai nước giao thương buôn bán, hòa bình hữu nghị. Đó là nền tảng lâu dài cho nhân dân cả hai bên. Dứt khoát không nên dấy lên điều gì có thể dẫn đến xung đột.
Trong dịp tháp tùng đồng chí Trương Tấn Sang sang thăm Trung Quốc, chúng tôi đã ký một chương trình hợp tác 5 năm, hướng tới việc thúc đẩy những mặt tích cực, giảm thiểu mặt tiêu cực để quan hệ giữa nhân dân hai bên phát triển đúng hướng, lành mạnh.
Trên mặt báo và các phương tiện truyền thông giữa Việt Nam và Trung Quốc đôi khi có những thông tin trái ngược nhau. Điển hình là những tin về ngư dân và các vụ đụng độ trên Biển Đông. Liệu diễn đàn nhân dân có hóa giải được vào sự khác nhau đó không, thưa ông?
- Tôi nghĩ hoàn toàn có thể hóa giải được. Hai nước đã có những thỏa thuận cấp cao. Cuộc sống hàng ngày diễn ra ở cấp thấp. Nếu người dân có sự tin cậy nhau, hướng tới những truyền thống tốt đẹp từ trước đến nay thì có để được. Con người điều chỉnh hành vi trong tấm lòng và quan hệ của hai nước.
Tôi cho rằng đối ngoại nhân dân hoàn toàn có thể tác động tốt, đặc biệt Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ngoại giao lân bang, hòa hiếu và hợp tác cùng có lợi với láng giềng.
Ông Vũ Xuân Hồng (Ảnh: Quang Thiện) |
Nhân quyền là sản phẩm của chiến tranh lạnh
Chúng ta đang nói đến ngoại giao nhân dân, hẳn nhân dân phải là đối tượng trung tâm. Trong những năm gần đây, các góc nhìn và diễn đàn quốc tế thường nói về vấn đề nhân quyền, hay quyền con người ở Việt Nam. Đối ngoại nhân dân đóng góp như thế nào để cộng đồng quốc tế có cái nhìn đúng đắn nhất về vấn đề này?
- Vấn đề nhân quyền, quyền con người từ những năm 1960s, đó là sản phẩm của chiến tranh lạnh. Người ta dùng vấn đề này để áp đặt các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Cho đến hôm nay, chiến tranh lạnh đã hết, vẫn có những thế lực cứ tiếp tục đi theo câu chuyện này để dùng nó gây áp lực với nước khác.
Tôi cho rằng nhân quyền là vấn đề mang tính toàn cầu. Không một nước nào có thể tự vỗ vai là nước mình có nhân quyền tuyệt hảo. Chúng ta làm hết khả năng để nhân dân có điều kiện tốt hơn, tự do hạnh phúc hơn. Chúng ta làm tất cả những chuyện này trong khuôn khổ đất nước còn khó khăn, kinh tế không cao.
Những người muốn dùng con bài này để áp đặt câu chuyện nhân quyền với Việt Nam, tôi chia ra làm ba nhóm:
Một, những nhóm, những người không có tư cách nói chuyện. Đến bây giờ họ vẫn cứ bịt mắt nói về Việt Nam với tất cả câu chuyện cổ lỗ sĩ của họ, mặc dù thực tế ở nước ta rất khác. Những ai muốn nói về nhân quyền Việt Nam, hãy về tận nơi tìm hiểu.
Hai, những người có những giá trị để theo đuổi. Câu chuyện nhân quyền có nhiều góc độ khác nhau. Chúng tôi đang thúc đẩy đối ngoại Kênh 2, kênh nhân dân (Kênh 1 là Nhà nước) Các tổ chức quan tâm nhân quyền Việt Nam, chúng tôi mời họ cùng trao đổi, không gì bằng thực tế.
Ba, sự tôn trọng pháp luật của mỗi nước. Khi sang Mỹ, tôi từng nói: chúng tôi đấu tranh chống tham nhũng, bỏ tù nhiều đảng viên vi phạm. Không ai trong các vị nói chúng tôi đàn áp. Nhưng một người nào đó trong giới tôn giáo, ví dụ thế, vi phạm luật pháp như bất kỳ công dân nào. Chúng tôi xử lý, các vị lại nói chúng tôi vi phạm nhân quyền?
Tôi cho rằng mỗi nước khác nhau, có vấn đề nhân quyền phù hợp với luật pháp, xã hội, truyền thống và văn hóa của nước đó. Điều đó cần được tôn trọng.
Tiêu chí, triết lý trọng tâm chính của đối ngoại nhân dân hiện nay là gì, thưa ông?
- Bản lĩnh của người Việt Nam là hòa hiếu. Nhiều quốc gia từng đến Việt Nam với tư cách kẻ xâm lược. Hôm nay chúng ta ngồi lại để thấy rằng, rất nhiều kẻ thù trong quá khứ đã trở thành bạn bè, đối tác của ta hôm nay.
Nhiều nước đã thành đối tác chiến lược hoặc toàn diện. Chúng ta đã thành công, thêm bạn bớt thù. Cựu thù như Mỹ, Pháp hay vài nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có chuyện với ta đều đã trở thành đối tác rồi. Các nước ASEAN cũng đang cùng ta xây dựng mái nhà chung.
Chúng ta đã giơ tay ra chụp những ngọn súng, bẻ rơi xuống để sống chung. Gần đây chúng ta nói đến tin cậy chiến lược và tin cậy chính trị, chính là bản lĩnh hòa hiếu.
Ngoại giao nhân dân chúng tôi không "cổ cồn, cavat", không nhiều màu mè sắc thái. Chúng tôi lấy trái tim của mình để nói với bạn bè nguyện vọng của mình: hòa bình, hợp tác, phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hoàng Hường/Vietnamnet