Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 35
Đoàn Việt Nam do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác dẫn đầu tham dự Hội nghị.
Đại sứ Dương Chí Dũng. Nguồn: TTXVN |
Trong bối cảnh thế giới và Cộng đồng Pháp ngữ đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về an ninh, chính trị, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố, cực đoan hóa, di cư…các nước tham dự Hội nghị đánh giá cao và bày tỏ ủng hộ những nỗ lực mà OIF đã đạt được trong việc việc tìm kiếm các giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột, thực hiện các hoạt động trung gian hòa giải, hỗ trợ tổ chức và quan sát bầu cử tại một số nước Pháp ngữ đang gặp khủng hoảng, đồng thời tiếp tục dành nguồn lực để hỗ trợ các thành viên thực hiện các Mục tiêu Thiên nhiên kỷ về Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế, bảo đảm bình đẳng giới…
Phát biểu tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng hoan nghênh những kết quả mà OIF đã đạt được trên các lĩnh vực an ninh, chính trị, nhấn mạnh sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc tăng cường hợp tác kinh tế Pháp ngữ, đặc biệt là việc thúc đẩy các Chiến lược kinh tế và Chiến lược số Pháp ngữ, khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đạt được trong các lĩnh vực hợp tác ba bên và hợp tác Nam-Nam.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dương Chí Dũng cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng góp phần vào nỗ lực chung của Pháp ngữ và cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, đã cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi và mới cử bệnh viện dã chiến cấp 2 sang Nam Sudan.
Đề cập tới tình hình Biển Đông, Trợ lý Bộ trưởng Dương Chí Dũng bày tỏ mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ phát huy truyền thống đoàn kết của mình và tiếp tục nêu quan ngại về tình hình Biển Đông cũng như kêu gọi các bên liên quan tránh mọi hành động đơn phương làm nghiêm trọng thêm tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao, pháp lý, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm đạt được Bộ Quy tắc thực chất và có hiệu lực về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Trợ lý Bộ trưởng Dương Chí Dũng nhấn mạnh nhằm tiếp tục đóng góp hơn nữa cho hòa bình, ổn định và phát triển trong không gian Pháp ngữ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam đã quyết định ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và mong nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên Pháp ngữ đối với việc ứng cử cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hội Nghị đã trân trọng dành 01 phút mặc niệm dành cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tất cả các bài phát biểu đều có đoạn chia buồn với đất nước và nhân dân Việt Nam về việc này.
Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 35 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ . Nguồn:Republic Armenia of Radio |
Hội nghị các Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 35 sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9 tháng 10 năm 2018 nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 với Chủ đề “Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: Cội nguồn của hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ” được tổ chức tại Yerevan trong các ngày 11 và 12 tháng 10 tới.
Hội nghị sẽ trao đổi về các văn kiện dự kiến sẽ được trình lên Hội nghị Cấp cao thông qua gồm có Tuyên bố Yerevan, Lời kêu gọi về cùng chung sống của Pháp ngữ, một số nghị quyết trong đó có nghị quyết về tình hình an ninh, chính trị trong không gian Pháp ngữ, Chiến lược Pháp ngữ về bình đẳng nam-nữ và Chương trình hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2019-2022.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 nhằm góp phần phát huy vị thế của Việt Nam là nước Pháp ngữ chủ chốt tại châu Á-Thái Bình Dương, chủ động tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động Cộng đồng Pháp ngữ; đóng góp thực chất vào những vấn đề hợp tác trong Cộng đồng Pháp ngữ.