Việt Nam sẽ tham gia tập trận và gìn giữ hòa bình quốc tế
Việt Nam sẽ tham gia tập trận và gìn giữ hòa bình quốc tế
> Việt Nam bước đầu phát triển hợp tác quốc phòng với Mỹ
> Những chiến hạm tối tân nhất thế giới đang tiến vào Biển Đông
> Việt Nam đã có 23 máy bay chiến đấu Su-30MK2 trực chiến
Buổi toạ đàm do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28/5 - Ảnh: HC |
Như tin đã đưa, tại tọa đàm do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 28/5 tại Đà Nẵng lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên cho dự thảo báo cáo chuyên đề "Định hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam đến năm 2020" (do Bộ Ngoại giao thực hiện nhằm phục vụ quá trình soạn thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế của nước ta đến năm 2020), hội nhập về quốc phòng - an ninh (QP - AN) là một trong những lĩnh vực thu hút nhiều quan tâm của các đại biểu.
Từ những kết quả mở rộng hợp tác QP - AN giai đoạn 2001 - 2010 (Infonet đã đưa tin), dự thảo báo cáo chuyên đề "Định hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam đến năm 2020" do Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý trình bày tại buổi toạ đàm nhấn mạnh, Việt Nam sẽ hướng tới các cấp độ và phạm vi hội nhập cao hơn trong lĩnh vực QP - AN.
Tham gia tập trận chung, giữ gìn hoà bình
"Hội nhập về QP - AN sẽ được triển khai theo đúng định hướng "Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về QP - AN" và các chủ trương lớn về đối ngoại được nêu trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011; đồng thời phải phù hợp với các xu thế ở khu vực và trên thế giới. Hội nhập về QP - AN cần phát huy cao tinh thần độc lập, tự chủ và phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần hướng tới các cấp độ và phạm vi hội nhập cao hơn trong lĩnh vực QP - AN" - ông Đặng Đình Quý nói.
Theo báo cáo nêu trên, trước đây Việt Nam từng hội nhập QP - AN ở cấp độ cao là tham gia các các liên minh quân sự (với Liên Xô cũ). Tuy nhiên hiện nay hội nhập QP - AN của Việt Nam mới chỉ dừng ở cấp độ thấp nhất là "tham gia các diễn đàn hợp tác AN", cụ thể là tham gia các cơ chế Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS)...
Từ nay đến năm 2020, nhóm nội dung đầu tiên mà hội nhập về QP - AN của Việt Nam sẽ tập trung là "nâng cấp hội nhập QP lên mức tham gia các hoạt động quân sự và trao đổi quân sự trên thực tế", trước hết là các hoạt động gìn giữ hoà bình, kiểm soát vũ khí huỷ diệt, tập trận chung, các dự án hợp tác công nghiệp QP, đào tạo, huấn luyện quân đội.
Ông Đặng Đình Quý đã trình bày nhiều cơ sở lý luận và thực tiễn cho nội dung hội nhập này. Theo đó, xu thế chung của các quốc gia trên thế giới đều tham gia các hoạt động vừa nêu. Một mặt, đóng góp và chia sẻ trách nhiệm gìn giữ hoà bình, an ninh và ổn định trên thế giới; qua đó nâng cao vị thế quốc tế. Mặt khác, tăng cường xây dựng lòng tin với các đối tác.
"Hiện nay, 130 trong số 192 thành viên Liên hợp quốc đã tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình. Riêng ở Đông Nam Á. Chỉ còn Lào, Myanmar và Việt Nam là chưa tham gia. Trong ASEAN, đã có ý kiến thành lập lực lượng gìn giữ hoà bình ASEAN và hiện nay ASEAN đã đóng góp hơn 5.000 quân cho lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế" - ông Đặng Đình Quý cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Quý, việc tập trung cho nhóm nội dung "nâng cấp hội nhập QP" sẽ mở thêm cho Việt Nam mặt trận ngoại giao QP trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thông qua hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, xây dựng quân đội nước ta ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp. Đồng thời, nhóm nội dung này cũng phù hợp với các nguyên tắc, phương châm, quan điểm chỉ đạo của Việt Nam về QP - AN, thể hiện được phương châm độc lập, tự chủ trong triển khai đường lối đối ngoại.
Hải quân và Biên phòng Việt Nam huấn luyện nghiệp vụ chung với Hải quân Mỹ tại Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Hội nhập để tăng cường tiềm lực QP - AN
Nhóm nội dung quan trọng thứ hai là "tiếp tục chủ động tham gia các cơ chế đối thoại, giao lưu QP song phương và đa phương". Theo dự thảo báo cáo "Định hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam đến năm 2020", đây là một trong những cách thức hiệu quả để xây dựng lòng tin và là một hình thức ngoại giao phòng ngừa.
Đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với quân đội các nước nhằm tăng cường trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu nhầm, hạn chế nghi kị, chuyển thông điệp về tính chất hoà bình tự vệ chung nhưng kiên quyết sẵn sàng giáng trả các hành động xâm hại chủ quyền quốc gia trong chính sách QP - AN của Việt Nam, thực hiện các cơ chế tích cực và tập quán tốt như tham vấn, thông báo trước, cảnh báo sớm.
Bên cạnh đó, việc chủ động tham gia các cơ chế đối thoại, giao lưu QP song phương và đa phương là để Việt Nam tác động nội dung, tính chất hoạt động của các diễn đàn này theo hướng có lợi, chẳng hạn như đảm bảo vai trò chủ động của ASEAN trong ASEAN và ADMM+, hạn chế các bên nước ngoài sử dụng ASEAN để tiến hành các hoạt động bất lợi cho Việt Nam.
Nhóm nội dung quan trọng thứ ba là "tích cực, chủ động tham gia các hoạt động chung về AN trên thế giới như chống khủng bố quốc tế, chống tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ, cứu nạn, bảo vệ môi trường..." nhằm tăng cường năng lực và sức mạnh của lực lượng AN Việt Nam, góp phần đảm bảo AN toàn diện của đất nước.
Nhóm nội dung quan trọng thứ tư là "tham gia vào các cơ chế, sáng kiến và các đối thoại liên quan đến các vấn đề nhạy cảm về AN mà Việt Nam và các đối tác có sự khác biệt; tăng cường hợp tác AN và hợp tác tương trợ tư pháp với các nước và các tổ chức trên thế giới, bảo đảm AN phục vụ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước". Qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ khác biệt về quan điểm và giá trị nhằm giảm bớt các bất đồng trên các vấn đề nhạy cảm và chia sẻ thông tin, chuyên môn nghiệp vụ về AN.
Theo dự thảo báo cáo ""Định hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam đến năm 2020", để có thể hướng tới các cấp độ và phạm vi hội nhập cao hơn trong lĩnh vực QP - AN một cách thành công, Việt Nam cần nhanh chóng tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước, tăng cường tiềm lực QP - AN, đảm bảo năng lực để có thể tham gia các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế.
HẢI CHÂU