Việt Nam sẽ tắt mạng 2G vào năm 2022, triển khai thương mại 5G trong năm 2020
Bộ TT&TT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022 giúp nhà mạng tiết kiệm chi phí vận hành và dành tần số và nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới. |
Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Lý do tắt sóng mạng 2G là do hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020.
Như vậy thì từ 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 4 công nghệ di động. Việc duy trì cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới. Vì vậy, việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được smartphone với giá rẻ có thể thay thế các thiết bị điện thoại 2G hiện nay và không ảnh hưởng nhiều đến người dùng.
Cùng với việc đưa ra lộ tắt sóng 2G, Bộ TT&TT cho biết đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động gồm: Viettel, VNPT, MobiFone. Hiện Viettel đã chính thức thử nghiệm công nghệ này tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trong đó, VNPT, MobiFone đang triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm trên thực địa và thử nghiệm trong năm 2019. Bộ chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.
Ông Đào Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Viettel Networks cho biết, Viettel đã chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng nhà trạm, hệ thống truyền dẫn, mạng lõi cũng như các kinh nghiệm, bài học và nhân sự về thiết kế, triển khai mạng 5G. "Tại TP Hồ Chí Minh, Viettel đã hoàn thành phủ sóng mạng 5G liền mạch ở khu vực phường 12, quận 10.
Đối với Hà Nội, chúng tôi đã phát sóng thử nghiệm một số trạm 5G đầu tiên vào tháng 5/2019 và sẽ triển khai mạng 5G liền mạch ở một khu vực thuộc quận Ba Đình trong 1-2 tháng tới. Tốc độ download của mạng 5G như Viettel đã công bố đạt 1,7Gb/giây, gấp hơn 50 lần so với 4G hiện nay.
Đây là giai đoạn thử nghiệm về mặt kỹ thuật nên mục tiêu của Viettel là đánh giá được năng lực hệ thống, vùng phủ, tham số cũng như rút ra được các bài học về thiết kế, triển khai, vận hành khai thác hạ tầng mạng 5G, từ đó có cơ sở để xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển cho 5G tại Việt Nam", ông Đào Xuân Vũ nói.
Lĩnh vực ICT là nền tảng và là hạt nhân của chuyển đổi số. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. Việt Nam không đi theo sau nữa mà sẽ đi đầu trong một số lĩnh vực. Quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của lĩnh vực quản lý, lấy sự phát triển bền vững, tăng trưởng nhanh của ngành làm mục tiêu quản lý.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Công nghệ mới, đổi mới sáng tạo là động lực tạo ra sự phát triển bền vững và bao trùm cho Việt Nam. Nâng cao thứ hạng Việt Nam, bám vào các KPI quốc tế để cải thiện thứ hạng. ICT là nền tảng nên cần phải đi trước.
Đồng thời, có quy định về thử nghiệm chính sách Sandbox, đặc khu về thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới; triển khai Trung tâm chính sách cho cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G để năm 2020 Việt Nam có thiết bị 5G. Triển khai chương trình khởi nghiệp doanh nghiệp công nghệ, đưa công nghệ ứng dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội.