Việt Nam sắp có "ốc đảo" dành cho khoa học công nghệ
Thời gian gần đây đã xảy ra những cuộc tranh luận về việc các GS, nhà khoa học đang làm việc tại nước ngoài có nên về Việt Nam làm việc vào thời điểm này hay không. Nhiều ý kiến không ủng hộ vì điều kiện thu nhập, và nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với nước ngoài. Tuy nhiên điều băn khoăn hơn cả là việc bổ nhiệm và sử dụng nhân tài chưa đặt đúng mức tài năng.
Chia sẻ về việc này tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 9/12, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân bày tỏ quan điểm thất vọng với những ý kiến phản đối khi một người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, mong muốn quay trở về đóng góp trí tuệ cho quê hương.
Việt Nam sẽ có ốc đảo riêng dành cho những nhà khoa học. Ảnh MH |
"Đương nhiên hiện tại trong nước còn rất nhiều những vấn đề khó khăn so với điều kiện ở nước ngoài. Nhưng chúng ta cũng cần ủng hộ những người có tâm huyết với đất nước. Họ trở về đây có thể không đóng góp được nhiều cho khoa học như ở nước ngoài, nhưng ít nhất họ có những đóng góp thiết thực cho chính quê hương chúng ta – một đất nước còn đang gặp rất nhiều khó khăn, vừa vượt qua khỏi ngưỡng của một nước kém phát triển. Vì thế Việt Nam đang rất cần những đóng góp của các nhà khoa học ở trong và ngoài nước".
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quân còn lý giải do thông tin đến với nhà khoa học chưa đầy đủ nên họ mới băn khoăn khi trở về Việt Nam. Hiện Bộ KH&CN đang trình Chính phủ Luật KHCN sửa đổi, trong đó có rất nhiều khoản sửa đổi bổ sung, chắc chắn sẽ tạo ra điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho các nhà khoa học.
"Chúng tôi cũng có thể thành lập những viện nghiên cứu mạnh, các tập thể khoa học mạnh để thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao cũng như theo nhu cầu của xã hội. Thời gian qua Chính phủ đã có những cơ chế riêng cho những nhà khoa học. Tôi tin rằng các nhà khoa học sẽ có những ốc đảo, mà điều kiện làm việc không khác xa gì mấy so với nước ngoài" – ông Quân khẳng định.
Bộ trưởng cho biết sẽ kêu gọi đầu tư bằng những nguồn vốn nước ngoài để xây dựng những viện nghiên cứu có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại tương đương viện nghiên cứu nước ngoài. Viện này sẽ áp dụng cách thức quản lý tiên tiến, không theo mô hình quan liêu bao cấp. Bộ sẽ đặt hàng và kêu gọi DN đặt hàng, biến nó trở thành những viện nghiên cứu theo đặt hàng của DN để mang lại nguồn thu lớn từ xã hội, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và nâng cao đời sống của các nhà khoa học.
Theo Bộ trưởng Quân, Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc đã thỏa thuận qua đó sẽ giúp Việt Nam xây dựng một Viện nghiên cứu theo mô hình của Viện KHCN Hàn Quốc – Viện KIST. Đây chính là bước đi ban đầu của chúng ta.
Với "ốc đảo" này, Việt Nam sẽ mong muốn áp dụng ba bài học kinh nghiệm của họ: Một là viện đó phải được hưởng có chế đặc biệt do một luật riêng. Phải được một người lãnh đạo có uy tín đỡ đầu. Thứ ba là phải có một đội ngũ cán bộ khoa học giỏi từ nước ngoài trở về và đội ngũ khoa học giỏi nhất của Việt Nam.
"Với ba tiêu chí đó Viện KIST của Hàn Quốc đã rất thành công. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự thành công từ ba tiêu chí này" – ông Quân nói.