Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn
Tại Hội thảo với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 15-3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua được xem là tình huống thiên tai có tính lịch sử ở Việt Nam. Hiện nay, hạn hán đang ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng triệu người dân. Tình hình này sẽ nghiêm trọng hơn nữa trong những tháng tới.
Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến hạn hán sẽ kéo dài đến vụ Hè Thu 2016, dự kiến các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ có khoảng 40.000ha đất lúa phải dừng sản xuất 31.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.
Ảnh minh họa |
Đối với khu vực Tây Nguyên, hiện các hồ chứa thủy lợi đang có dung tích trữ thấp hơn thiết kế, đạt từ 50- 60%, có khoảng 60 hồ chứa ở Đắk Lắk đã cạn nước. Dự kiến trong thời gian tới diện tích hạn án, thiếu nước gần 150.000 ha và 17.600 hộ thiếu nước sinh hoạt. Nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V.
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến hết sức phức tạp. Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 02 tháng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. Phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền cao nhất lên đến hơn 90km.
Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về trồng trọt, tổng diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay khoảng 160.000 ha. Đối với vụ Hè Thu 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.
“Có 160.000 héc ta lúa bị thiệt hại, phần lớn trong đó không có thu hoạch. Mỗi héc ta bình quân 5 tấn, tức có 800.000 tấn lúa mất. Mỗi gia đình có nửa héc ta, như vậy gần 300.000 hộ gia đình trong tháng qua không có thu nhập, tức khảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ riêng cây lúa. Trong thời gian tới, một số diện tích nữa tiếp tục bị ảnh hưởng do không có nước ngọt, khô héo và giảm năng suất”, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng.
Về nước sinh hoạt, có khoảng 204.000 hộ gia đình (khoảng 800.000 người) và nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, nhà máy sản xuất bị thiếu nước. Thậm chí tại Bến Tre người dân phải mua 60.000-80.000 đồng/m3 nước. Nhiều nơi phải dùng nước có độ mặn loãng hơn
Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, trong năm 2015, hạn hán đã gây ra tổng thiệt hại cho tỉnh 250 tỷ đồng, hơn 25.000 khẩu thiếu nước sinh hoạt. Riêng đầu năm 2016, tổng lượng nước trong các hồ chứa chưa đến 40% dung tích thiết kế, hiện nay chỉ khoảng 25%. Với thời tiết như hiện nay thì chỉ 2 tháng nữa, 20 hồ chứa của tỉnh sẽ không còn nước; vụ hè thu sẽ có 10.000ha không sản xuất được do thiếu nước, trên 6.000 khẩu thiếu nước sinh hoạt hàng ngày và tỉnh phải chở nước cho nông dân.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tổ chức quốc tế trước mắt, thực hiện hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn chán, xâm nhập mặn. Về lâu dài, cần thu hút các dự án ODA về xây dựng công trình và nâng cao năng lực quản lý để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết tác động của hiện tượng ELnino nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua. Những hiện tượng thiên tai này là do El Nino gây ra, sau một thời gian nữa sẽ chuyển sang hiện tượng La Nina. Nhưng khi La Nina xuất hiện có thể sẽ gây ra hiện tượng mưa nhiều, thậm chí gây lũ lụt.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, vấn đề sẽ không giảm đi và còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Vì vậy, bà cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có những chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để hạn chế tổn thất, giảm nhẹ thiên tai. Trước tình trạng khẩn cấp như hiện nay, chúng ta cần biết nhu cầu, hỗ trợ nào là cấp thiết nhất.
Trước tình hình trên, ông Leocadio Sebastian, đại diện IRRI cho rằng, hiện tượng xâm nhậm mặn có thể dự báo trước, do đó cũng có thể dự báo được rủi ro. Việc dự báo được trước sẽ có những chuẩn bị trong sản xuất vụ Đông Xuân, đưa ra các giống ngắn ngày, giống chịu mặn hơn trong sản xuất.
Còn đại diện WB cho rằng, WB muốn cùng kết hợp với các đối tác đánh giá nhu cầu hiện nay của địa phương để hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nhìn nhận vấn đề này theo nhiều chiều khác nhau, có đánh giá mang tính toàn diện và chiến lược. Về trung và dài hạn, cần hiểu tầm quan trọng của thông tin và dữ liệu về quy hoạch tài nguyên nước.