Việt Nam đề nghị quốc tế tiếp tục tài trợ phòng, chống HIV/AIDS
Cuộc họp của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nhóm Đại sứ và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế điều phối chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam chiều 26/11 - Ảnh: HC |
Quốc tế sẽ cắt giảm tài trợ cho Việt Nam?
Tại cuộc họp, Đại sứ Canada kiêm Chủ tịch Nhóm điều phối các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, bà Deborah Chatsis cho biết, do Việt Nam đã chuyển đổi nhanh chóng thành một quốc gia với mức thu nhập trung bình dẫn đầu khu vực nên "các đối tác phát triển sẽ dần rút các hỗ trợ tài chính trực tiếp trong khi vẫn duy trì việc cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách và sự hợp tác kỹ thuật đa quốc gia vững mạnh, thuận lợi giữa các nước trong khu vực ASEAN và vượt lên trong việc trong việc ứng dụng các phương pháp mới nhằm xoá sổ căn bệnh HIV".
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, dù đã rất cố gắng và có sự tài trợ cao của quốc tế song tới nay độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Đến hết tháng 6/2012 chương trình bơm kim tiêm mới đạt 50 - 60%, bao cao su 40 - 50%, điều trị Methadone mới có 43 cơ sở với 9.572 người (trong khi dự kiến kế hoạch năm 2012 có 61 cơ sở với 15.600 bệnh nhân được điều trị, đến năm 2015 có 80.000 bệnh nhân được điều trị), mới có 25% số huyện được cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS bằng ARV và 20% số huyện có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...
Ông Tony E.Lisle (Giám đốc quốc gia UNAIDS tại Việt Nam): "Các tổ chức quốc tế phải có lộ trình rõ ràng về việc cắt giảm tài trợ kinh phí phòng, chống HIV/AIDS cho Việt Nam" - Ảnh: HC |
Ước tính tổng nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020 lên đến 26.882 tỉ đồng. Trong khi tổng kinh phí dự kiến huy động được bằng tất cả các nguồn như nhà nước cung cấp thông qua các chương trình mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS, viện trợ quốc tế (đã có cam kết đến năm 2018), ngân sách nhà nước địa phương có thể huy động, BHYT chi trả, doanh nghiệp và người dân tự chi trả chỉ đạt 617 tỉ đồng. Có nghĩa sẽ thiếu hụt 16.930 tỉ đồng, chiếm 63% tổng kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong 7 năm tới.
Là địa phương được bà Deborah Chatsis đánh giá "nổi bật về phát triển các hoạt động đối phó có hiệu quả với HIV" song Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho hay, diễn biến của dịch vẫn còn nhiều phức tạp và sẽ bùng phát nếu không tiếp tục có sự can thiệp tích cực và quyết liệt. "Chúng tôi hy vọng ngân sách địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia cố gắng đảm bảo 50% kinh phí và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ TP 50% còn lại. Đồng thời có lộ trình cắt giảm cụ thể và giãn tiến độ cắt giảm để TP kịp thời xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí bù đắp tương ứng, tạo được sự liên tục và bền vững của các chương trình phòng chống HIV/AIDS" - ông Nguyễn Xuân Anh nói.
Bà Fiona Lappin (Giám đốc quốc gia DFID tại Việt Nam): "Đây là thời điểm rất quan trọng cho việc duy trì tính bền vững của các kết quả mà nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt được" - Ảnh: HC |
Cần tiếp tục cam kết lộ trình rõ ràng
Ông Tony E.Lisle (Giám đốc quốc gia UNAIDS tại Việt Nam) cho rằng đề nghị "cho biết lộ trình cắt giảm tài trợ" mà ông Nguyễn Xuân Anh nêu ra thực sự là vấn đề đầy "thách thức" đối với các tổ chức quốc tế. Nhưng ông hoàn toàn đồng tình và cho rằng: "Các tổ chức quốc tế phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng khi nào cắt, lúc nào tiếp tục... Phải làm thế nào để nguồn tài chính của quốc tế tập trung cùng với nguồn tài chính của Việt Nam một cách rõ ràng. Mỗi bên cần làm gì để tiếp tục duy trì được những thành tựu đã qua và đạt được thêm nhiều thành tựu mới!".
Chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam, bà Fiona Lappin (Giám đốc quốc gia dự án Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam do Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh - DFID tài trợ) nhận định đây là thời điểm rất quan trọng cho việc duy trì tính bền vững của các kết quả mà nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt được. Vì vậy bà đã rất nỗ lực thuyết phục Chính phủ của mình tiếp tục gia hạn dự án thêm 1 năm thay vì kết thúc cuối năm 2012, và tăng thêm viện trợ 6 triệu bảng Anh, nâng tổng kinh phí lên 54 triệu bảng Anh hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục cam kết lộ trình rõ ràng về việc tài trợ cho Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới - Ảnh: HC |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời cho biết, cùng với các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, mở rộng các dịch vụ thì hệ thống văn bản pháp lý và nhiều chính sách mới đã được Việt Nam ban hành. Như không quản lý gái mại dâm tại các trung tâm 05; đổi mới quản lý người nghiện tại các trung tâm 06 theo hướng tự nguyện, thân thiện, nhân văn; đẩy mạnh tổ chức cai nghiện tại cộng đồng và gia đình; dư luận xã hội giảm kỳ thị với người đồng giới... đã là các điều kiện thuận lợi để triển khai thành công chương trình nêu trên.
"Để duy trì được các thành quả đó, chúng tôi đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục cam kết lộ trình rõ ràng về việc tài trợ trong thời gian tới. Đề nghị giúp Việt Nam kết nối được với khối ASEAN trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Về phía Việt Nam sẽ tiếp tục cam kết tăng cường đầu tư qua Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực như xã hội hoá, kết hợp công tư và BHYT nhằm duy trì các kết quả đã đạt được" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.