Việt Nam có thể làm nhiều việc cho Nga
Tổng bí thư hội đàm với Tổng thống Nga. |
Chủ đề hội đàm là thực tế phong phú của đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Song hành với những vấn đề quốc tế, trong chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao Nga-Việt còn có triển khai Khu vực Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan), hợp tác về năng lượng và đầu tư, trao đổi khoa học, giáo dục và văn hóa.
Còn có những nội dung không kém quan trọng cần được thảo luận tại cuộc gặp của các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam và Nga, - ông Vladimir Buyanov, Giám đốc Học viện Kinh tế và Pháp luật Matxcơva, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt nêu ý kiến.
“Trong bối cảnh lệnh trừng phạt từ EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia chống Nga và các biện pháp đáp trả của Nga về cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm của những nước này, chúng ta có thể mở rộng đáng kể nguồn cung cấp từ Việt Nam sang Nga. Ngoài hàng loạt mặt hàng hải sản, Việt Nam có thể cung cấp cho thị trường Nga cả loại rau, trái cây cùng thịt lợn và thịt gia cầm. Về công nghiệp thì hiện giờ, khi Chính phủ đặt ra nhiệm vụ tăng cường chế tạo tàu biển, chúng ta có thể tích cực khai thác công suất của các cơ sở đóng tàu của Việt Nam”.
Trợ giúp tăng tốc sản xuất trong những ngành công nghiệp khác nhau ở Nga còn có thể là nhân lực lao động Việt Nam. Có lẽ ai cũng công nhận rằng người Việt nổi tiếng là siêng năng và khéo léo trong công việc, như đã thể hiện cả qua thực tế nước Nga. Nhưng để khai thác và sử dụng ưu điểm này, cần giải quyết vấn đề khác bức xúc vẫn đang tiếp diễn, đó là dòng nhập cư và di trú bất hợp pháp Việt Nam tại Nga. Đó là vấn đề visa-thị thực, - ông Vladimir Buyanov nói tiếp.
“Sự hiện diện của các công dân Việt Nam ở Nga là vấn đề nhạy cảm khá lớn đáng quan ngại. Chúng tôi đề xuất cấp cho người lao động Việt Nam thị thực làm việc trong 3 năm, thực tế như vậy hiện có ở Nga tuy chưa phổ biến. Đề nghị thứ hai của chúng tôi là tạo lập tổ chức tự quản của Việt Nam, trong đó hoạch định khái niệm phát triển loại hình doanh nghiệp nhỏ ở Nga, quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt. Tổ chức này có thể trực thuộc Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt, cũng như cấp chính quyền thành phố Matxcơva để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến công việc của người Việt ở nước Nga”.
Tất cả những đề nghị đã được chuyển đến ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam với các thành viên Hội Hữu nghị Nga-Việt và các cựu chiến binh Nga tham gia chiến tranh Việt Nam. Tổng Bí thư BCH Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá những ý kiến này là biểu hiện rõ nét của tình cảm chân thành mà nước Nga dành cho Việt Nam đồng thời là phương thức tốt để củng cố tình hữu nghị đã gắn bó nhân dân hai nước nhiều thập kỷ nay.
Những liên hệ bền chặt nhất giữa hai nước chúng ta là thông qua trái tim của mọi người. Thông qua trái tim của hàng chục nghìn người Việt Nam từng học tập và làm việc ở Liên Xô và Nga, thông qua trái tim của hàng nghìn người Nga từng tham gia bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam. Không nên để mất những liên hệ quí giá này mà cần chuyển tiếp cho thế hệ trẻ để được nhân lên thêm nữa. Cũng chính mục đích đó hàm chứa trong các dự án mà Hội Hữu nghị Việt-Nga sẽ xúc tiến trong năm tới, là năm kỷ niệm chẵn trọng đại của Nga và Việt Nam. Ý nghĩa nhất là thành lập trường Đại học Tổng hợp Nga-Việt về ngành xã hội nhân văn và khánh thành tượng đài phi hành gia Xô-viết German Titov trên hòn đảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên ở Vịnh Hạ Long.