Việt Nam bước đầu phát triển hợp tác quốc phòng với Mỹ
Việt Nam bước đầu phát triển hợp tác quốc phòng với Mỹ
Việt Nam bước đầu phát triển quan hệ quốc phòng với Mỹ phù hợp với khuôn khổ quan hệ song phương - Ảnh: HC |
Ngày 28/5 tại Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao đã tổ chức toạ đàm với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, lấy ý kiến đóng góp cho báo cáo chuyên đề được Bộ Ngoại giao thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ quá trình soạn thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế của nước ta đến năm 2020.
Trong "Báo cáo đánh giá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010" do Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) trình bày tại buổi toạ đàm, việc mở rộng hợp tác an ninh - quốc phòng được xem là lĩnh vực trọng yếu có quan hệ mật thiết đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam.
"Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này được triển khai có bài bản, theo lộ trình cụ thể, với từng đối tác, trong từng nội dung và ở từng thời điểm phù hợp. Tuy không đi nhanh như hội nhập kinh tế và chính trị nhưng hợp tác quốc phòng - an ninh đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, phục vụ đắc lực yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - ông Vũ Lê Thái Hoàng (Vụ Chính sách đối ngoại) nhấn mạnh.
Theo đó, ở kênh song phương, Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc phòng với nhiều nước, đặc biệt là các nước có tầm quan trọng chiến lược, biến quốc phòng thành nội dung lớn của hợp tác song phương. Việt Nam ưu tiên hợp tác hợp lý với Lào và Campuchia; từng bước đưa hợp tác quốc phòng Việt - Trung phát triển về mọi mặt; thiết lập quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN.
Đồng thời củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Nga và bước đầu phát triển hợp tác quốc phòng với Mỹ phù hợp với khuôn khổ quan hệ song phương. Việt Nam xây dựng cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng với các nước lớn như Mỹ, Nhật, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc. Trên thực địa, Việt Nam bước đầu đa dạng các hình thức hợp tác như tuần tra chung trên biển, trao đổi chuyến thăm của tàu hải quân, phối hợp diễn tập cứu hộ cứu nạn...
Trên kênh đa phương, Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế và diễn đàn quốc phòng khu vực cũng như quốc tế. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN 4; đề xuất sáng kiến Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), lần đầu tiên quy tụ Bộ trưởng Quốc phòng từ tất cả các cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, cùng nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế khác.
"Nhờ có đổi mới quan trọng trong tư duy hợp tác và trong nhận thức về đối tác, đối tượng, hợp tác quốc tế về an ninh có bước chuyển về chất, nâng cao hiệu quả quan hệ với các đối tác láng giềng, khu vực, truyền thống,mở rộng quan hệ với các nước lớn cả trong bảo vệ an ninh nội địa và an ninh biên giới cũng như phòng chống các loại hình tội phạm có yếu tố quốc tế" - báo cáo của Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo báo cáo này, hội nhập quốc tế của Việt Nam về chính trị - an ninh - quốc phòng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đặc biệt là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với một số nước chưa được quan tâm quán triệt đầy đủ đến các Bộ, ngành, địa phương... nên việc triển khai thực tế còn chưa đồng bộ. Có trường hợp đặt cao lợi ích cục bộ, địa phương, ngắn hạn mà chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích tổng thể, dài hạn của quốc gia trong phát triển quan hệ với đối tác.
HẢI CHÂU