Viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam thay đổi về chất
Viện trợ phi chính phủ không chỉ là nguồn quan trọng mà còn được đánh giá là tiếp cận cộng đồng và người dân rất tốt, tạo hiệu quả tích cực trong giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
Dự án rà phá bom mìn của Anh Quốc (MAG) đang tìm kiếm vật liệu chưa nổ tại Quảng Bình |
Các dự án đã góp phần tăng cường năng lực các cơ quan đối tác Việt Nam và người dân vùng thụ hưởng. Bên cạnh các dự án trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, xây dựng năng lực... các hoạt động đào tạo, tập huấn được lồng ghép vào các dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ trong hầu hết các lĩnh vực. Trong phát triển nông thôn tổng hợp, nhất là các dự án hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm, hàng vạn nông dân đã được nâng cao kiến thức và kỹ năng trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý kinh tế hộ gia đình. Tính trung bình có khoảng 25 ngàn dự án thực hiện thành công, tính khiêm tốn mỗi dự án đào tạo được 10 người dân, số lượng người dân được tiếp cận với cách làm ăn mới lên đến hàng trăm ngàn người.
Ngôi trường mẫu giáo xã Ân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình được xây dựng bằng tài trợ của tổ chức Plan |
Hiện nay, dự án PCPNN tập trung nhiều nhất vào giảm nghèo và phát triển bền vững cụ thể là giáo dục, y tế và phát triển nông thôn tổng hợp. Trong lĩnh vực giáo dục, các dự án hỗ trợ xây dựng trường học, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã mang lại lợi ích thiết thực trong phát triển giáo dục. Trong y tế, các dự án như hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, các trạm y tế cấp xã, các dự án đào tạo cán bộ y tế, khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ triển khai một số chương trình quốc gia đã giúp giải quyết một số khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong khi ngân sách nhà nước chưa có điều kiện đáp ứng.
Phương pháp đánh giá nhu cầu, đánh giá dự án và những tác động tích cực, đặc biệt là nâng cao nhận thức và năng lực của địa phương và người dân đã có những tác động tích cực, đặc biệt là nâng cao nhận thức và năng lực của địa phương và người dân trong việc lập kế hoạch và thực hiện một số chương trình, dự án phát triển tại nông thôn. Mô hình chống suy dinh dưỡng của một số tổ chức PCPNN đã được các tổ chức quốc tế nghiên cứu và sử dụng tại nhiều tỉnh ở Việt Nam, mô hình phòng chống sốt xuất huyết tại Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới nhân rộng tại một số nước Châu Á, mô hình truyền thông và giáo dục đồng đẳng về phòng chống HIV/AIDS được đánh giá là khá hiệu quả.
Theo Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), hoạt động viện trợ được triển khai rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố, các bộ, ban ngành, tổ chức nhân dân. Những năm gần đây, một số tỉnh/thành phố như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Khánh Hòa, Thái Nguyên... tiếp nhận từ 10-35 triệu đô la Mỹ mỗi năm từ nguồn viện trợ phi chính phủ. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Chữ thập đỏ tiếp nhận từ 5 - 20 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Đánh giá về hiệu quả của viện trợ PCPNN những năm qua, ông Đôn Tuấn Phong, phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (cơ quan thường trực của Ủy ban về công tác PCPNN) cho rằng “Viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã có những đóng góp cho xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân ở những vùng có dự án. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ở những nơi có sự tham gia của các tổ chức PCPNN dường như công cuộc xóa đói, giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn những vùng khác, đó là sự khác biệt. Về mô hình phát triển, các tổ chức phi chính phủ gây dựng, giới thiệu một số mô hình, phương pháp, cách tiếp cận mới cho phát triển. Ngoài ra, tác động về mặt năng lực, cán bộ và người dân, thông qua các dự án có hàng ngàn cán bộ cấp cơ sở, cả trăm ngàn người dân được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực”.
Tranh thủ các nguồn lực quốc tế
Hội nghị quốc tế lần 3 sẽ tập trung vào các nội dung như: Đánh giá kết quả hợp tác giai đoạn 2003 - 2013 giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và bài học giữa các bên liên quan; Chia sẻ các ưu tiên và nhu cầu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 - 2017; Thảo luận các phương thức hợp tác trong thời gian tới.
Việt Nam đã phát triển rõ nét, trong thành tựu phát triển đó có sự tham gia có ý nghĩa của các tổ chức quốc tế nói chung, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nói riêng. Việt Nam xét theo mặt khác, vẫn rất cần sự có mặt của các tổ chức quốc tế. Một mặt, Việt Nam cũng cần phát huy nỗ nội lực của mình, mặt khác vẫn sẽ tiếp tục khuyến khích hợp tác quốc tế để đưa đất nước phát triển nhanh hơn. Khi Việt Nam phát triển, chúng ta sẽ tham gia cùng với nỗ lực phát triển quốc tế, giúp các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Kinh nghiệm của Việt Nam có thể giúp ích được cho họ.
Trước đây, chúng ta nghĩ rằng viện trợ, tức là nhận và cho. Nhưng hiện nay, trong quá trình trao đổi đó cần được hiểu theo nghĩa hợp tác phát triển. Quan trọng hơn cả, khi khá hơn, chúng ta sẽ chia sẻ trách nhiệm với các quốc gia khác. Hiện nay, trong chừng mực nào đó chúng ta đã có viện trợ cho Campuchia, Lào, Mianmar, Bắc Triều Tiên, Cu ba và một vài nước khác. Chúng ta cũng đã tham gia quá trình hợp tác ba bên giúp cho một số nước Châu Phi thông qua cơ chế của Liên Hợp Quốc nhưng về căn bản, chúng ta vẫn là một quốc gia nhận viện trợ ròng. Đến thời điểm nào đó Việt Nam phát triển, sẽ trở thành đất nước viện trợ cho các quốc gia khác.
Đánh giá về tiềm năng viện trợ PCP trong những năm tới, ông Đôn Tuấn Phong cho rằng: Công tác vận động viện trợ PCPNN thời gian qua chúng ta làm rất tốt nhưng tiềm năng vẫn còn nhiều. Trên thế giới viện trợ PCP giải ngân hàng năm chiếm khoảng 25% tổng viện trợ ODA toàn thế giới, viện trợ ODA đạt mức khoảng 130 tỷ đô la Mỹ, viện trợ PCP đạt khoảng trên 33 tỷ đô la Mỹ, như vậy viện trợ PCPNN không phải mức quá nhỏ. Hàng năm ở Mỹ, công chúng đóng góp cho viện trợ nhân đạo trên 300 tỷ, chỉ có 20% ra khỏi nước Mỹ, vậy có sự chênh lệch về con số. Hiện nay, Việt Nam thu hút được gần 1% viện trợ PCPNN, tức là tiềm năng còn lớn để khai thác. Đó chính là mục tiêu của công tác PCPNN trong thời gian tới.