Vì sao UBND TP Đà Nẵng từ chối quay lại trụ sở 42 Bạch Đằng?
Chuyển Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích Thành Điện Hải
Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có văn bản 1222/UBND-QLĐTh giao Sở VH-TT phối hợp với đơn vị điều hành dự án đôn đốc tiến độ triển khai tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích Thành Điện Hải, báo cáo tiến độ thường xuyên; trong trường hợp vướng mắc, báo cáo UBND TP có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Khu nhà số 42 Bạch Đằng ở bờ Tây sông Hàn, nơi sắp trở thành Bảo tàng Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Đồng thời UBND TP Đà Nẵng giao Sở Xây dựng nghiên cứu triển khai sớm phương án chuyển Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi di tích Thành Điện Hải, di dời về khu đất số 42 Bạch Đằng (trụ sở cũ của UBND TP Đà Nẵng và nay là trụ sở HĐND TP), báo cáo UBND TP Đà Nẵng trước ngày 10/3.
Trước đó, ngày 31/1, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản số 331-TB/TU thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại cuộc họp ngày 23/1, trong đó giao Ban cán sự đảng UBND TP: “Đôn đốc tiến độ triển khai tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích Thành Điện Hải; nghiên cứu triển khai sớm phương án di dời Bảo tàng Đà Nẵng về khu đất số 42 Bạch Đằng”.
Ngày 1/3 vừa qua, tại cuộc họp xem xét thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành VH-TT TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Infonet đã đưa tin), Sở VH-TT Đà Nẵng đề xuất việc chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về khu đất 42 Bạch Đằng sẽ thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.
Tuy nhiên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc Trung cho rằng không thể thực hiện kịp tiến độ đó, vì phải xây dựng trụ sở HĐND TP ở vị trí mới (cũng trên đường Bạch Đằng) và cải tạo lại khu nhà, đất 42 Bạch Đằng cho phù hợp với công năng của một bảo tàng.
UBND TP Đà Nẵng từng từ chối quay lại trụ sở cũ dù bề thế!
Theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, không phải đến bây giờ mà việc chuyển Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi Di tích Thành Điện Hải, dời về khu 42 Bạch Đằng đã được UBND TP Đà Nẵng đề xuất từ khá lâu và cũng đã được Ban Thường vụ Thành ủy khi ông Nguyễn Xuân Anh còn làm Bí thư thống nhất.
"Trước đó nhiều quan chức TP từng đề nghị UBND TP quay lại làm việc ở khu 42 Bạch Đằng cho bề thế, nhưng tôi từ chối vì như thế là lãng phí. Đầu tư Trung tâm Hành chính như thế này rồi mà bỏ đi sao được? Các sở, ban, ngành làm việc ở đây thì Ủy ban TP cũng phải ở đây; còn chỗ 42 Bạch Đằng để làm bảo tàng của TP. Tôi đã phát biểu ý đó tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy cách đây 1 – 2 năm và rất được ủng hộ!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Theo Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng Huỳnh Hùng, hiện Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng đã có báo cáo lần 1 về “Phương án kiến trúc quy hoạch và trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng tại 42 Bạch Đằng”. Theo đó, tòa nhà 42 Bạch Đằng cần được cải tạo, nâng cấp và xây dựng thêm vài hạng mục mới phù hợp với chức năng của bảo tàng. Sở VH-TT đề nghị UBND TP bố trí thời gian để Sở và đơn vị tư vấn trình bày phương án thiết kế sơ bộ nhằm xin ý kiến chỉ đạo.
Chuyển về số 42 Bạch Đằng, Bảo tàng Đà Nẵng phải theo những chuẩn mực cao nhất
Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho hay đã ghi vốn 100 triệu đồng trong năm 2018 cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án di dời Bảo tàng Đà Nẵng về khu 42 Bạch Đằng. Ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu chủ đầu tư (Sở VH-TT Đà Nẵng) và đơn vị điều hành dự án (BQL Dự án phát triển hạ tầng đô thị TP) khẩn trương lập dự án, tuyển chọn tư vấn, đấu thầu…
Đồng thời Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu yêu cầu “Bảo tàng Đà Nẵng khi chuyển về khu 42 Bạch Đằng phải làm theo những chuẩn mực cao nhất, tuyển chọn tư vấn cho đàng hoàng. Tôi không nói tư vấn quốc tế hay trong nước nhưng phải tầm cỡ, phải xứng tầm!”.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc vì lấy khu 42 Bạch Đằng để làm bảo tàng đã là một “công trình vĩ đại”, và bản thân tòa nhà đó cũng đã là một chứng tích lịch sử. Việc trang hoàng, trưng bày các hiện vật bên trong phải làm bật lên được cả quá trình phát triển lâu dài của TP Đà Nẵng. “Singapore mới có mấy chục năm, vậy mà vào bảo tàng của họ xem hoài không thấy chán!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Ở Đà Nẵng, hiếm có tòa nhà cổ nào còn nguyên vẹn và mang nét kiến trúc độc đáo như khu nhà 42 Bạch Đằng, do người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước để làm tòa thị chính của chính quyền Pháp tại Đà Nẵng. Nơi đây đã trở thành chứng tích của nhiều sự kiện gắn liền với lịch sử Đà Nẵng. Tháng 2/1937, hàng nghìn người dân đã kéo về đây gặp đại diện chính quyền Pháp để đòi quyền dân sinh, dân chủ. Ngày 26/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tòa nhà này.
Khi quân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ 2, Trung đoàn 96 đã ngoan cường đánh trả tại đây. Vào ngày 29/3/1975, lá cờ giải phóng lại một lần nữa được cắm trên Tòa thị chính, báo hiệu Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng. Sau này, tòa nhà 42 Bạch Đằng được tiếp tục sử dụng làm trụ sở UBND tỉnh QN-ĐN (cũ); trụ sở UBND TP Đà Nẵng từ năm 1997; và hiện là trụ sở HĐND TP…
Tháng 12/2016, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quyết định sử dụng tòa nhà 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng.
Trao đổi với báo chí khi đó, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng: "Đây là món quà rất quý giá mà lãnh đạo TP dành cho người dân Đà Nẵng nói chung và giới sử học Đà Nẵng nói riêng khi bước vào năm mới 2017. Khi UBND TP chuyển vào Trung tâm Hành chính TP thì việc chuyển HĐND TP về làm việc tại số 42 Bạch Đằng là phù hợp. Nhưng càng phù hợp hơn nếu chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về đây, bởi bản thân tòa nhà 42 Bạch Đằng đã là một di tích lịch sử, một bảo tàng ngoài trời, với phong cách kiến trúc cho đến nay vẫn chưa hề lạc hậu. Có thể nói Ban Thường vụ Thành ủy đã có một quyết định trên cả tuyệt vời khi chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về số 42 Bạch Đằng nhằm trả lại cảnh quan vốn có của di tích Thành Điện Hải”.